Nghịch lý ở quốc gia giàu có bậc nhất thế giới

Sự nóng lên toàn cầu đang dần phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ trên toàn thế giới, nhưng với Kuwait, một trong những quốc gia nóng nhất hành tinh, thì điều này đang ngoài tầm kiểm soát.

Nhiệt độ tăng vượt tầm kiểm soát

Năm 2016, nhiệt độ đo được ở nước này đạt 54 độ C, mức cao nhất trên Trái Đất trong vòng 76 năm qua.

Năm 2021, lần đầu tiên con số đó đã chạm ngưỡng 50 độ C vào tháng 6, trước khi bước vào đợt nắng nóng cao điểm hàng năm.

Theo tính toán của Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ EPA, từ năm 2071 đến năm 2100, một số nơi của Kuwait có thể sẽ tăng 4,5 độ C so với mức trung bình trong lịch sử, khiến các khu vực đó khó có thể sống được.

Bồ câu tránh nắng dưới bóng cây ở thành phố Kuwait. (Ảnh: AFP).

Động vật hoang dã cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Khó có thể tìm thấy bóng râm hoặc nước uống cho chim, hàng loạt xác chim chết khô trên mái nhà dân trong những tháng hè nóng tàn khốc.

Các phòng khám thú y quá tải khi nhiều mèo hoang được người dân đưa đến trong tình trạng kiệt sức vì sốc nhiệt và mất nước. Ngay cả những con cáo hoang cũng phải bỏ đi nơi khác.

Tamara Qabazard, bác sĩ thú y tại sở thú Kuwait cho biết: “Lý do mà chúng ta ngày càng thấy ít động vật hoang dã ở Kuwait là chúng không thể sinh tồn qua các kiểu thời tiết khắc nghiệt tại đây. Rất nhiều con vật gặp vấn đề về hô hấp".

Mục tiêu quá thấp

Không giống như Bangladesh hay Brazil - đang phải xoay xở để cân bằng các vấn đề môi trường, dân sinh và tình trạng nghèo đói - Kuwait không thiếu nguồn lực tài chính, và là nhà xuất khẩu dầu mỏ thứ tư của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC.

Kuwait là nơi có quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ ba trên thế giới và chỉ có hơn 4,5 triệu dân. Nước này không thiếu các nguồn lực để cắt giảm khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề nằm ở chỗ không có hành động chính trị thích đáng.


Người dân tránh nắng trong nhà chòi trên bãi biển Shuwaikh ở thành phố Kuwait. (Ảnh: Bloomberg).

Ngay cả các nước láng giềng của Kuwait, cũng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, đã cam kết hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2021, Saudi Arabia tuyên bố sẽ đặt mục tiêu Net-Zero vào năm 2060, còn với các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) là năm 2050.

Cả hai nước này đều tuyên bố nghiên cứu để đa dạng hóa nền kinh tế, đầu tư vào năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Hai hội nghị tiếp theo về khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra tại Ai Cập và UAE, khi chính phủ các nước Trung Đông thừa nhận rằng họ cũng chịu thiệt hại nặng khi nhiệt độ và mực nước biển tăng.

Ngược lại, Kuwait chỉ cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 là sẽ giảm phát thải khí nhà kính 7,4% vào năm 2035. Đây là một mục tiêu thấp hơn nhiều so với mức giảm 45% để đáp ứng mục tiêu dài hạn của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu xuống 1,5 độ C vào năm 2030.

Manal Shehabi, một học giả tại Đại học Oxford, chuyên nghiên cứu về các quốc gia vùng Vịnh, cho biết: “So với phần còn lại của Trung Đông, Kuwait tụt hậu trong việc thích ứng với khí hậu. Trong một khu vực bị ảnh hưởng mạnh bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, thì các cam kết về khí hậu ở Kuwait là quá thấp".

Sheikh Abdullah Al-Ahmed Al-Sabah, người đứng đầu EPA, nói với trong Hội nghị COP26 rằng Kuwait quan tâm đến việc hỗ trợ các sáng kiến quốc tế nhằm ổn định khí hậu. Kuwait cũng cam kết sẽ triển khai "chiến lược giảm thiểu carbon quốc gia", nhưng không cụ thể kế hoạch và có ít tài liệu về cam kết trên.

Không quá quan tâm

Jassim Al-Awadhi, 32 tuổi, đại diện cho thế hệ Kuwait trẻ, đang rất quan ngại về tương lai của đất nước.

Anh đã nghỉ việc ở ngân hàng để kêu gọi một sự thay đổi, mà theo các chuyên gia đó có thể là chìa khóa mở ra giải pháp mới: Cải thiện vấn đề giao thông.

Mục tiêu của anh là đưa người Kuwait tham gia giao thông công cộng nhiều hơn, mà hiện nay chỉ có xe bus, thường được người lao động nhập cư thu nhập thấp sử dụng.


Jassim Al-Awadi trong một nhà chờ xe buýt vào hôm 9/1. (Ảnh: Bloomberg).

Đó là một cuộc đấu tranh khó khăn. Mặc dù Kuwait có lượng khí thải carbon dioxide trên đầu người cao nhất thế giới, đề xuất cấm ôtô của họ hoàn toàn bất khả thi một quốc gia nơi xăng rẻ hơn Coca Cola và các thành phố chuộng ôtô khác.

Trường Kinh tế London, nơi thực hiện cuộc khảo sát duy nhất về khí hậu ở Kuwait, cho thấy những người lớn tuổi không quá quan tâm, một số người thì cho rằng đây là âm mưu làm lũng đoạn nền kinh tế các vùng Vịnh.

Trong một cuộc khảo sát cộng đồng, tất cả người trên 50 tuổi đều phản đối kế hoạch xây dựng một mạng lưới tàu điện ngầm giống như ở Riyadh và Dubai. Và khu vực tư nhân coi ứng phó với biến đổi khí hậu là việc của chính phủ.

Hầu hết người dân Kuwait và những người giàu được tách khỏi tác động của nhiệt độ cao. Những ngôi nhà, trung tâm mua sắm và xe hơi đều được trang bị điều hòa, và những người dư dả thường dành mùa hè ở châu Âu.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào hệ thống làm mát cũng làm tăng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, dẫn đến nhiệt độ ngày càng nóng hơn. Điều đó còn tồi tệ hơn đối với những người lao động thu nhập thấp. Mặc dù chính phủ cấm làm việc ngoài trời vào giờ cao điểm buổi chiều trong những tháng hè oi ả, họ vẫn phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm sống.

Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science Direct, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, số người chết tăng gấp đôi, nhưng con số này lại tăng gấp ba đối với những người đàn ông lao động không phải là người Kuwait.

Nút thắt chính trị

Bất chấp những rủi ro ngày càng tăng, cuộc tranh giành quyền lực giữa quốc hội duy nhất được bầu ra và chính phủ do Quốc vương chỉ định đã gây khó khăn cho việc thúc đẩy các cải cách về khí hậu và các hoạt động khác.

Samia Alduaij, một nhà tư vấn môi trường Kuwait cho biết: “Bế tắc chính trị ở Kuwait chỉ gây hút hết oxy trong không khí. Đây là một quốc gia rất giàu với dân số rất nhỏ, vì vậy họ có thể làm tốt hơn rất nhiều".

Cho đến nay, kế hoạch sản xuất 15% điện năng của Kuwait từ các nguồn tái tạo vào năm 2030, từ mức tối đa 1% có rất ít kết quả.

Nguồn dầu Kuwait dồi dào đến mức đủ đốt cháy để tạo ra điện, cung cấp nhiên liệu cho 2 triệu chiếc ôtô, càng góp phần gây ô nhiễm không khí.

Một số nhà máy điện đã chuyển sang sử dụng khí đốt, nhưng dễ làm rò rỉ khí metan - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh. Mức tiêu thụ điện và nước được chính phủ trợ cấp nhiều đã được chứng minh là độc hại về mặt chính trị, thậm chí có thể cắt giảm chính những lợi ích đó.


Giao thông ùn tắc nghiêm trọng trên đường Abdul Aziz bin Abdul Rahman Al Saud, thành phố Kuwait hôm 8/1. (Ảnh: Bloomberg).

Nadim Farajalla, Giám đốc chương trình thay đổi khí hậu và môi trường tại Đại học Beirut, cho biết nếu hành động từ bây giờ, sẽ có nhiều việc phải làm, trong đó có: Chống lại mực nước biển dâng cao, làm cho các thành phố trở nên xanh hơn và các tòa nhà tiêu thụ ít năng lượng hơn. Kuwait cũng cần tập trung giải quyết vấn đề giao thông, một nguyên nhân hàng đầu gây ra khí thải CO2.

Khaled Mahdi, Tổng thư ký Hội đồng Kế hoạch và Phát triển Tối cao Kuwait, cho biết kế hoạch thích ứng của chính phủ phù hợp với các chính sách quốc tế.

Nhóm vận động Kuwait Commute của Al-Awadhi đang hoạt động từ việc xây dựng các nhà chờ xe bus để giúp hành khách tránh nắng.

Ngân hàng Quốc gia Kuwait, ngân hàng cho vay lớn nhất của đất nước, đã tài trợ cho dự án thiết kế bến xe bus của sinh viên. Tuy nhiên, giống như phần lớn khu vực tư nhân, họ vẫn đứng ngoài sự quyết định.

Al-Awadhi hy vọng rằng việc người Kuwait đi xe bus nhiều hơn sẽ tạo nhu cầu lớn để cải thiện dịch vụ công cộng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất