Nghiên cứu cho thấy: Nấm hạ nhiệt bằng cách "toát mồ hôi"

Một nghiên cứu mới tiết lộ, nấm có khả năng hạ nhiệt bằng cách "toát mồ hôi".

Phát hiện này đã làm sáng tỏ một khía cạnh tiềm năng cơ bản của sinh học nấm. Đồng thời, có thể có ý nghĩa đối với sức khỏe con người.

Tiến sĩ Arturo Casadevall - nhà vi trùng học tại Trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và là một trong những tác giả nghiên cứu - cho biết: “Đối với tôi, đó là một hiện tượng rất thú vị không giải thích được”.


Nấm có xu hướng lạnh hơn so với môi trường của chúng.

Trước đó, tác giả chính của nghiên cứu - Radames Cordero, nhà vi trùng học tại Trường Đại học Johns Hopkins, đã sử dụng máy ảnh hồng ngoại để chụp ảnh nấm trong rừng.

Camera hồng ngoại có thể hình dung nhiệt độ tương đối của từng vật thể trong ảnh. Ông Cordero nhận thấy một điều kỳ lạ. Đó là những cây nấm dường như lạnh hơn so với môi trường xung quanh.

Các nhà khoa học trước đây đã quan sát thấy, nấm có xu hướng lạnh hơn so với môi trường của chúng. Song, Casadevall cho biết ông chưa bao giờ nghe nói về hiện tượng này. Vì vậy, nhóm quyết định tìm hiểu xem hiệu ứng làm mát này có xảy ra ở tất cả các loại nấm không.

Ngoài việc chụp ảnh nấm, các nhà nghiên cứu đã trồng và chụp ảnh các loại nấm khác nhau trong phòng thí nghiệm. Họ nhận thấy hiện tượng tương tự. Điều này thậm chí còn xảy ra với việc nuôi cấy Cryomyces antarcticus - một loại nấm mọc ở Nam Cực.

Các loại nấm dường như hạ nhiệt thông qua sự thoát hơi nước từ bề mặt của chúng. Điều đó nghĩa là về cơ bản, chúng đổ mồ hôi. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một loại điều hòa không khí chạy bằng nấm.

Họ cho nấm Agaricus bisporus vào hộp xốp có lỗ ở mỗi bên. Một chiếc quạt được đặt bên ngoài một trong các lỗ. Sau đó, nấm được đặt vào một thùng chứa lớn hơn và bật quạt để lưu thông không khí trên những cây nấm.

Sau 40 phút, không khí trong thùng chứa lớn hơn đã giảm từ khoảng 100 độ F (37,8 độ C) xuống còn khoảng 82 F (27,8 độ C). Những cây nấm đã hạ nhiệt độ thông qua quá trình làm mát bay hơi, sử dụng nhiệt trong không khí để chuyển nước lỏng thành khí.

Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ lý do nấm muốn giữ mát. Song, các tác giả suy đoán rằng, hiện tượng này có thể liên quan đến việc tạo ra các điều kiện tối ưu cho sự hình thành bào tử. Hoặc, nó có thể giúp nấm phát tán bào tử bằng cách thay đổi nhiệt độ. Từ đó, chúng có thể tạo ra những cơn gió nhỏ có thể thổi các bào tử ra xung quanh.

Đến nay, khám phá mới này có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn là đáp án. “Tôi nghĩ rằng, nếu có thể hiểu tại sao nấm toát mồ hôi, thì chúng ta sẽ học được rất nhiều điều”, ông Casadevall nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất