Nghiên cứu cho thấy nguy cơ về chất gây ung thư trong bao bì thực phẩm
Nghiên cứu mới về các hóa chất trong bao bì thực phẩm và đồ dùng bằng nhựa đã làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe con người.
Jane Muncke, giám đốc Diễn đàn bao bì thực phẩm tại Zurich, Thụy Sĩ, nhấn mạnh rằng có bằng chứng cho thấy 76 chất gây ung thư vú trong vật liệu sản xuất bao bì thực phẩm và đồ dùng thực phẩm tìm thấy trong cơ thể con người. Muncke cho biết việc loại bỏ các hóa chất nguy hiểm này là yếu tố quan trọng để phòng ngừa ung thư.
Các nhà khoa học phát hiện nhiều chất gây ung thư trong bao bì thực phẩm. (Ảnh minh họa: Getty Images).
Theo nghiên cứu, 40 trong số các hóa chất được phát hiện đã được phân loại là nguy hiểm bởi các cơ quan quản lý toàn cầu, nhưng chúng vẫn được phép sử dụng trong bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Jenny Kay từ Viện Silent Spring cũng nhấn mạnh rằng những hóa chất này, dù đã được xác định là gây hại cho sức khỏe, vẫn tiếp tục xâm nhập thị trường, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Các phát hiện kêu gọi hành động mạnh mẽ để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những nguy hiểm tiềm ẩn trong bao bì thực phẩm.
Tỷ lệ ung thư vú khởi phát sớm ở phụ nữ dưới 50 tuổi đang gia tăng, và các chuyên gia cho rằng điều này không chỉ do di truyền. Tiến sĩ Len Lichtenfeld, cựu phó giám đốc y khoa Hiệp hội Ung thư Mỹ, nhận định rằng đây không phải là vấn đề của riêng ung thư vú, ta nhận thấy tỷ lệ ung thư ruột kết ở người trẻ tuổi cũng đang tăng.
Năm 2007, tổ chức Silent Spring đã công bố một danh sách gồm 216 hóa chất có khả năng gây ra khối u vú ở loài gặm nhấm. Tháng 1 năm 2024, danh sách này đã được cập nhật lên 921 hóa chất, trong đó có 642 chất có khả năng kích thích sản sinh estrogen hoặc progesterone - hai hormone được xác định gây ung thư vú.
Jenny Kay, đồng tác giả của bản cập nhật nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives, cho biết việc phát hiện nhiều chất gây ung thư trong bao bì thực phẩm là minh chứng rõ ràng cho việc người tiêu dùng đang vô tình tiếp xúc với các hóa chất có hại hàng ngày.
Theo Silent Spring, trong khi các cơ quan quản lý có trách nhiệm bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm, người tiêu dùng cũng có thể tự giảm nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại và chất gây ung thư bằng cách thực hiện một số biện pháp phòng ngừa.
Đó là nấu ăn an toàn (tránh nướng hoặc làm cháy thực phẩm); loại bỏ mỡ và da thực phẩm; chọn hải sản nhỏ (chứa ít thủy ngân và các chất độc hơn); tránh bao bì có chứa BPA; ưu tiên sản phẩm hữu cơ; sử dụng thủy tinh và thép không gỉ thay vì nhựa.
Những biện pháp trên có thể giúp giảm đáng kể tiếp xúc với các hóa chất nguy hại trong đời sống hàng ngày.
- Chỉ bằng một chén nước mắm, biết ngay bún bạn ăn có an toàn không
- Phenol là chất gì, có độc không, tác hại ra sao?
- Hóa chất thúc chín trái cây độc cỡ nào?