Nghiên cứu chứng minh người lười biếng thường thông minh hơn
Các nhà khoa học Mỹ phát hiện sự lười biếng trong hoạt động thể chất gắn liền với những người có chỉ số thông minh cao.
Theo International Business Times, nghiên cứu mới từ các nhà khoa học ở Đại học Florida Gulf Coast cho thấy những người lười biếng cũng là người thông minh nhất. Theo phát hiện công bố trong ấn bản tháng 8 của Tạp chí Sức khỏe Tâm lý, người kém thông minh không nảy ra nhiều ý tưởng và do đó dễ trở nên nhàm chán. Thay vì ngồi một chỗ và băn khoăn suy nghĩ, họ thường tích cực hoạt động.
Những người lười biếng thường sở hữu chỉ số thông minh cao theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ. (Ảnh minh họa: Who Trades).
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học kiểm tra tâm lý để đánh giá 60 sinh viên chưa tốt nghiệp ở Đại học Appalachian tại Boone, North Carolina, Mỹ để xác định mức độ quan tâm của họ đối với tư duy sâu.
Một nửa số sinh viên được mặc định là "những người hay tư duy" và nửa còn lại nằm trong nhóm "những người lười tư duy". Việc phân loại dựa trên kết quả thu được sau khi các sinh viên hoàn thành bài kiểm tra nhu cầu nhận thức.
Tiếp đó, mỗi sinh viên được yêu cầu đeo vòng tay theo dõi trong 7 ngày để ghi chép tuần suất hoạt động của họ. Thiết bị này cho phép nhóm nghiên cứu giám sát chuyển động và hoạt động của 60 sinh viên, đồng thời thu thập dữ liệu phân tích.
Sau một tuần, các nhà nghiên cứu tổng hợp kết quả và phát hiện nhóm hay tư duy hoạt động ít hơn nhiều so với nhóm lười tư duy. Tuy nhiên, vào cuối tuần, mức độ hoạt động của hai nhóm gần như giống nhau.
Todd McElroy, tác giả chính của nghiên cứu, bày tỏ lo ngại chỉ số thông minh cao đi kèm lười biếng sẽ dẫn đến hàng loạt tác động tiêu cực cho cơ thể. "Người thông minh nên có nhận thức về xu hướng ít hoạt động của bản thân cũng như hiểu biết về tác hại của việc ít hoạt động. Từ đó, những người hay hoạt động trí não có thể trở nên năng động hơn để đảm bảo sức khỏe", McElroy kết luận.