Nghiên cứu DNA để tìm ra chủ nhân sợi dây chuyền thời đồ đá

Nhờ sử dụng phương pháp mới, các nhà khoa học đã trích xuất thành công và xác định chủ nhân của mẫu DNA cổ đại tìm thấy trên một mặt dây chuyền thời đồ đá được làm từ răng nanh của nai sừng tấm.


Minh họa về mặt dây chuyền, được tìm thấy tại Hang Denisova ở miền nam Siberia, Nga. (Ảnh: Reuters).

Theo bài báo được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 3/5, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sợi dây chuyền có niên đại 19.000 tới 25.000 năm trước này tại hang Denisova ở vùng Altai, Nga. Người làm ra mặt dây chuyền này đã đục một lỗ trên răng để cho phép luồn dây đeo. Chiếc răng cũng có thể là một phần của các đồ trang sức khác như băng đô hoặc vòng đeo tay.

Hang động này là một địa điểm khảo cổ học quan trọng do nó từ lâu đã là nơi sinh sống của các loài người đã tuyệt chủng bao gồm Denisovan, Neanderthal. Ngoài ra, nơi này cũng là nơi sinh sống của loài người hiện đại – Homo Sapiens - vào những thời điểm khác nhau. Trong những năm qua, hang Denisova đã mang lại nhiều phát hiện khảo cổ đáng chú ý, trong đó bao gồm những vật dụng đầu tiên được khai quật của người Denisovan cùng nhiều công cụ và đồ tạo tác khác.

Việc khám phá được những đồ vật từng được sử dụng làm công cụ hoặc trang sức cá nhân như chiếc vòng này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà khoa học tìm hiểu về hành vi của con người trong quá khứ.

Theo Guardian trích dẫn chia sẻ của nhà sinh vật học phân tử Elena Essel thuộc Viện Max Planck về Nhân chủng học Tiến hóa ở Đức – tác giả chính của nghiên cứu này, “những đồ vật được tạo ra từ quá khứ lâu về trước cực kỳ hấp dẫn do chúng cho phép chúng ta mở một cánh cửa nhỏ để du hành ngược trở lại và xem qua cuộc sống của những người này”.

Bà Essel chia sẻ khi cầm một món đồ tạo tác như vậy trên tay, bà cảm thấy như "được đi ngược thời gian, tưởng tượng về bàn tay con người đã tạo ra và sử dụng nó hàng nghìn năm trước". Khi nhìn vào sợi dây chuyền độc đáo này, bà cho biết có hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu mình.

“Ai là người đã làm ra nó? Công cụ này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ mẹ sang con gái hay từ cha sang con trai? Việc chúng ta có thể bắt đầu giải quyết những câu hỏi này bằng cách sử dụng các công cụ di truyền vẫn là điều hoàn toàn khó tin đối với tôi”, bà Essel nói.


Hình ảnh về sợi dây chuyền làm từ răng nai sừng tấm. (Ảnh: Nature).

Để tìm được lời giải đáp cho những câu hỏi trên, các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi bà Essel, đã sử dụng găng tay và khẩu trang khi khai quật và xử lý sợi dây chuyền để tránh nhiễm DNA của người hiện đại.

Sau đó, họ sử dụng một phương pháp không phá hủy nhằm cô lập DNA có trong tế bào da, mồ hôi hoặc các chất dịch cơ thể khác được hấp thụ bởi một số loại vật liệu xốp như xương, răng và ngà. Về cơ bản, phương pháp này hoạt động giống như một chiếc máy giặt khi sợi dây chuyền được ngâm trong chất lỏng có tác dụng giải phóng DNA khỏi nó giống như máy giặt loại bỏ vết bẩn khỏi quần áo.

Kết quả cho thấy DNA trên chiếc vòng cổ này thuộc về một người phụ nữ thời kỳ đồ đá có quan hệ họ hàng gần với một nhóm người săn bắt hái lượm được biết là đã sống tại một phần của Siberia, phía đông của Hang Denisovan.

Điều này cũng biến chiếc dây chuyền trở thành đồ tạo tác thời tiền sử đầu tiên được liên kết bằng điều tra di truyền với một người cụ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu này không thể chỉ ra người phụ nữ này đã làm ra mặt dây chuyền này hay chỉ đơn giản là người sử dụng nó.

Dù vậy, khi nhận định về nghiên cứu này, bà Marie Soressi, nhà khảo cổ học cấp cao của Đại học Leiden cho biết nó đã “mở ra những cơ hội to lớn để tái tạo tốt hơn vai trò của các cá nhân trong quá khứ theo giới tính và tổ tiên của họ”.

Bằng cách liên kết các đồ vật với những người cụ thể, kỹ thuật này có thể làm sáng tỏ vai trò xã hội thời tiền sử và sự phân công lao động giữa hai giới, hoặc làm rõ liệu một đồ vật có phải do giống loài của chúng ta tạo ra hay không.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất