Nghiên cứu đột phá về ung thư của nhà khoa học Việt
Phát hiện của tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, nhà khoa học tại Đại học Missouri (Mỹ), mở ra hướng đi mới giúp hoàn thiện phương pháp điều trị ung thư.
Mới đây, Kỷ yếu Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), một trong những tạp chí khoa học uy tín và có hệ số tác động hàng đầu thế giới, xuất bản nghiên cứu về vai trò của một enzyme trong cơ chế kháng thuốc của tế bào ung thư.
PV đã có dịp trò chuyện với tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, nhà khoa học đang làm việc tại Trường Y khoa của Đại học Missouri (Mỹ).
Công trình gây ngạc nhiên
Cơ thể người có sẵn hệ thống tiêu hủy các protein không cần thiết hoặc hư hỏng bằng các yếu tố nội sinh. Các nhà khoa học phát hiện rằng chúng ta có thể dùng hóa chất kích thích các yếu tố nội sinh này phân hủy protein lạ có khả năng gây bệnh. Cơ chế này đã được áp dụng để tạo ra các loại thuốc điều hòa miễn dịch như thalidomide, lenalidomide và pomalidomide - phương pháp mới để điều trị đa u tủy xương và các bệnh ung thư máu khác.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, nhà khoa học tại Đại học Missouri (Mỹ)
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa hoàn thiện. Ông Thắng nhận thấy sau một thời gian, đa số bệnh nhân đều có dấu hiệu kháng thuốc. Đây là lý do ông bắt tay vào thực hiện công trình của mình, tiến sĩ quê Hưng Yên chia sẻ với PV.
Trong nghiên cứu, ông Thắng phát hiện một loại protein tên USP15 là nguyên nhân khiến tế bào ung thư kháng các loại thuốc trên. Từ đó, bác sĩ có thể xét nghiệm USP15 để xem khả năng kháng thuốc của bệnh nhân và điều chỉnh phương pháp điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng mở ra khả năng xem xét việc kết hợp chất ức chế USP15 với các loại thuốc khác để điều trị ung thư hiệu quả hơn.
Phát hiện của ông Thắng được giới khoa học đánh giá rất cao vì đã giải quyết được một trong những câu hỏi quan trọng nhất trong ngành. Sự công nhận còn đến từ việc nghiên cứu được PNAS, tạp chí “mơ ước” của các nhà khoa học, chấp thuận xuất bản chỉ sau hơn 2 tháng nộp lên - một điều rất hiếm thấy.
Trả lời PV, ông Thắng cho biết mình bắt đầu công trình này khi đại dịch Covid-19 vừa bùng phát nên đã gặp một số khó khăn. “Do dịch bệnh nên hóa chất đến phòng thí nghiệm chậm, tôi cũng không thể gặp các nhà khoa học khác để thảo luận. Tuy nhiên, thời gian yên tĩnh trong đại dịch giúp tôi hoàn thành nghiên cứu nhanh hơn”, ông Thắng nói.
Ông Thắng trong một lần đi câu.
Từ bác sĩ thú y đến tiến sĩ điều trị ung thư
Tốt nghiệp ngành bác sĩ thú y tại Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ông Thắng ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. Năm 2001, ông theo học thạc sĩ sinh học phân tử tại Bỉ nhờ đề án 322 của Chính phủ Việt Nam. Sau đó, ông sang Mỹ theo học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) để hoàn thành chương trình tiến sĩ về miễn dịch học và sinh học ung thư.
Xuất phát điểm là bác sĩ thú y, nhưng hướng nghiên cứu chính hiện tại của ông là miễn dịch học và ung thư. Trao đổi với PV, ông Thắng cho biết mình chọn ngành này vì sự yêu thích tìm tòi, khám phá của một nhà khoa học. “Tôi luôn đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh và không muốn chỉ dừng lại ở động vật hay thực vật. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy nghiên cứu ung thư và miễn dịch giúp ích cho cộng đồng rất nhiều”, ông Thắng nói thêm.
- Top 4 loại thực phẩm chứa nhiều kim loại nặng ăn nhiều vô cùng hại đến não
- Thuốc từ nấm Himalaya diệt tế bào ung thư mạnh gấp 40 lần, ít hại hơn hóa trị
- Hóa chất trong hộp xốp, kem đánh răng có thể gây tử vong sớm