Nghiên cứu gấu ngủ đông để cứu người
Gấu ngủ đông là một trong những điều kỳ lạ của tự nhiên. Chúng có thể ngủ li bì nhiều tháng liền mà không cần ăn uống, thậm chí gấu cái còn duy trì được bào thai trong quá trình này.
Do đó, các chuyên gia của Đại học Alaska Fairbanks (Mỹ) đang tiến hành nghiên cứu hoạt động cơ thể của loài gấu trong thời gian ngủ đông nhằm tìm biện pháp cứu người bị rơi vào tình trạng chấn thương nghiêm trọng như ở các bệnh nhân lên cơn đau tim và đột quỵ.
Theo các nhà khoa học, những vụ chấn thương như vậy gây nên một vấn đề hết sức cấp bách là lượng máu mang theo oxy lên não bị giảm đột ngột trong khi nhu cầu của cơ thể vẫn như bình thường. Trong trường hợp này, điều tiên quyết là phải đưa được người bệnh đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để tránh hậu quả nghiêm trọng như tàn phế và thậm chí tử vong.
Nếu giới chuyên gia xác định được cách thức gấu ngủ đông hạn chế được nhu cầu trao đổi chất (hạ thấp đến 75% so với bình thường), có thể giúp tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả đối với các bệnh nhân trên. Nghiên cứu ban đầu cho thấy gấu thở 2 lần/phút và nhịp tim giảm đến còn 20 giây/nhịp trong thời gian ngủ đông, theo AFP.