Nghiên cứu gây sốc: Trí nhớ của con người không chỉ tồn tại trong não
Một nghiên cứu mới từ Đại học New York (Mỹ) cho thấy các tế bào khác bên ngoài não cũng có khả năng học và hình thành trí nhớ.
PGS Nikolay V. Kukushkin, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, cho biết khả năng học và hình thành trí nhớ của các tế bào bên ngoài não đã được xác nhận thông qua một thí nghiệm đặc biệt.
Các tác giả đã sao chép quá trình học theo thời gian bằng cách nghiên cứu hai loại tế bào người không phải não trong phòng thí nghiệm, một loại từ mô thần kinh, loại khác từ mô thận.
Một công đoạn trong thí nghiệm đột phá nhằm chứng minh mọi tế bào trong cơ thể đều có khả năng học và hình thành trí nhớ - (Ảnh: ĐẠI HỌC NEW YORK).
Các tế bào trong thí nghiệm được tiếp xúc với các mẫu tín hiệu hóa học khác nhau, giống như cách các tế bào não tiếp xúc với các mẫu chất dẫn truyền thần kinh khi chúng ta học thông tin mới.
Để đáp lại, các tế bào không phải não dự kiến sẽ kích hoạt "gene trí nhớ", chính là loại gene mà các tế bào não sẽ kích hoạt khi chúng phát hiện ra một mô hình trong thông tin và tái cấu trúc các kết nối để hình thành nên ký ức.
Để theo dõi, các nhà khoa học đã tạo ra một loại protein phát sáng trong các tế bào không phải não này, thứ giúp biết khi nào "gene trí nhớ" hoạt động hoặc ngừng hoạt động.
Kết quả cho thấy các tế bào này có thể xác định thời điểm các xung hóa học, mô phỏng y hệt các đợt bùng phát chất dẫn truyền thần kinh trong não.
Quá trình này cũng được lặp lại thay vì chỉ kéo dài, giống như các tế bào thần kinh trong não có thể ghi nhận thời điểm chúng ta học tập với các khoảng nghỉ thay vì nhồi nhét toàn bộ kiến thức vào một lần.
"Điều này cho thấy khả năng học hỏi từ sự lặp lại cách quãng không chỉ có ở tế bào não, mà trên thực tế, có thể là một đặc tính cơ bản của tất cả các tế bào" - tờ Medical Xpress dẫn lời PGS Kukushkin.
Theo các tác giả, khám phá này không chỉ mở ra cánh cửa mới để hiểu cách thức trí nhớ hoạt động mà còn có thể đưa đến những phương pháp tốt hơn để tăng cường khả năng học tập và điều trị các vấn đề về trí nhớ cũng như các loại bệnh khác.
PGS Kukushkin cho rằng trong tương lai, chúng ta sẽ cần đối xử với cơ thể giống như bộ não hơn.
"Ví dụ, hãy xem xét tuyến tụy của chúng ta ghi nhớ điều gì về thói quen ăn uống trước đây của chúng ta để duy trì mức đường huyết khỏe mạnh hoặc xem xét tế bào ung thư ghi nhớ điều gì về quá trình hóa trị" - ông giải thích.
- Những sự thật gây sốc về bộ não con người
- Bí quyết nhớ lâu của người ghi nhớ giỏi nhất nước Mỹ
- Giải mã những bí ẩn phổ thông nhất