Nghiên cứu lợi ích của robot thú cưng trong điều trị mất trí nhớ
Ý tưởng cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ chơi với những robot thú cưng thay vì điều trị bằng thuốc nghe có vẻ hơi khác thường, nhưng theo các chuyên gia thì đây có thể là tiền đề mở ra giải pháp trị liệu mới dành cho bệnh nhân mất trí nhớ trong tương lai.
Theo Giáo sư Wendy Moyle của Đại học Griffith (Úc), số bệnh nhân bị mất trí nhớ sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới, do đó việc tìm kiếm phương pháp điều trị mới là hết sức quan trọng. Để hiện thực hóa ý tưởng trên, các nhà khoa học bang Queensland được chính phủ tài trợ hơn 1 triệu USD để tiến hành nghiên cứu lớn nhất thế giới về ảnh hưởng của robot động vật trên người bị mất trí nhớ.
Robot Paro. (Ảnh: iec.ch)
Giáo sư Moyle cho biết trong giai đoạn 2009-2010, tiền thuốc an thần dùng cho bệnh nhân mất trí nhớ tại các trung tâm dưỡng lão ước tính lên tới 19 triệu USD, trong khi tác dụng phụ của thuốc khá nhiều, chẳng hạn như làm cho bệnh nhân dễ té ngã (do chóng mặt) hoặc khiến tình trạng lú lẫn nặng thêm. Việc sử dụng liệu pháp chữa bệnh tâm lý bằng động vật có thể tốt cho bệnh nhân, nhưng không phổ biến bởi các cơ sở điều trị cho người già không cho nuôi động vật. Lý do là vật nuôi có thể tấn công người bệnh, trong khi chi phí nuôi dưỡng và chăm sóc chúng cũng khá tốn kém. Vì vậy, thú cưng bằng robot được xem là lựa chọn tiện lợi hơn cả.
Đối tượng thử nghiệm sẽ được các nhà khoa học Úc sử dụng là PARO - robot mang hình hài một chú hải cẩu với bộ lông mềm và mịn - đã được chứng minh có tác dụng tích cực ở các bệnh nhân sa sút trí tuệ trong một nghiên cứu thí điểm hồi năm ngoái. PARO là sáng chế của Giáo sư Takanori Shibata thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Nhật Bản (AIST). "Chúng tôi phát hiện nó đã giúp những bệnh nhân mất trí nhớ từ nhẹ đến nặng kiềm chế hành vi quá khích cũng như tâm trạng lo lắng, đồng thời cải thiện chất lượng sống và mang lại niềm vui cho họ", ông Shibata nói. Mỗi hải cẩu PARO, nặng khoảng 2,7kg, có gương mặt khác nhau và có thể nhận biết tên của mình cũng như biểu thị những cảm xúc như bất ngờ, hạnh phúc và tức giận.
Giáo sư Moyle cho biết đến nay, bệnh nhân vẫn có biểu hiện tích cực với robot PARO. "Chúng tôi nhận thấy có người không chịu nói chuyện trong vài năm đã bắt đầu giao tiếp trở lại nhờ sử dụng PARO, đó là kết quả rất thú vị…", bà nhận định. Được biết, 30 viện dưỡng lão và 380 người bị mất trí nhớ sẽ được chọn ngẫu nhiên để tham gia cuộc thử nghiệm qui mô lớn bắt đầu từ năm tới.