Nghiên cứu mới cho thấy mạng xã hội là “thuốc độc” trong tình yêu
Đôi lúc, việc "unfriend" người yêu trên mạng xã hội có thể giúp hàn gắn các mối quan hệ.
Mạng xã hội là thuốc độc đối với tình yêu
Theo một nghiên cứu mới đây, các cặp đôi “bỏ kết bạn” của nhau trên Facebook có xu hướng bền vững hơn.
Ian Kerner, một chuyên gia tâm lý tại New York, cho biết, việc "unfriend" tài khoản của nhau trên mạng xã hội có thể giúp các cặp đôi hàn gắn lại mối quan hệ. Thậm chí, Kerner còn cho rằng mọi người nên… khóa hẳn tài khoản lại để quá trình này diễn ra dễ dàng hơn.
Mạng xã hội có thể khiến các mối quan hệ xấu đi.
Kết luận này được đưa ra sau một cuộc khảo sát, xét xem liệu công nghệ và mạng xã hội có ảnh hưởng đến mối quan hệ của các cặp đôi hay không. Ông cho biết, các cặp đôi sử dụng điện thoại di động nhiều hơn, đồng nghĩa với việc ít nói chuyện trực tiếp, dẫn đến những hiểu lầm và gây tranh luận.
Các cặp đôi có xu hướng dành nhiều thời gian trên mạng ảo hơn là nói chuyện trực tiếp.
Theo đó, 25% các cặp vợ chồng hoặc tình nhân tham gia khảo sát nhắn tin online cho nhau ngay cả khi… đang ở nhà. Bên cạnh đó 25% cảm thấy rằng bạn đời của mình bị xao nhãng bởi điện thoại di động, và 8% cho biết họ luôn tranh cãi với người yêu về quỹ thời gian trên mạng xã hội.
Theo Kerner, mạng xã hội thực sự gây nhiều trở ngại cho các mối quan hệ. Ông cho biết, một số cặp vợ chồng đôi lúc không muốn biết những gì đối phương làm, họ muốn biết ít thông tin hơn. Chính vì thế, việc “unfriend” tạm thời người yêu hoặc vợ/chồng của mình là điều cần thiết, hoặc thậm chí là xóa bỏ tài khoản mạng xã hội.
Ông cho rằng, đây có thể coi là một “phương pháp thanh lọc kỹ thuật số”, làm gia tăng sự bí ẩn trong mối quan hệ, và từ đó khiến các cặp đôi trao đổi, trò chuyện nhiều với nhau hơn.
Duana Welch, tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng, cũng đồng tình với quan điểm này. Theo Welch: “Tôi thấy mấu chốt của chuyện này là ít sử dụng công nghệ hơn và tăng cường trao đổi, trò chuyện trực tiếp. Một số cặp đôi vẫn thoải mái chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, nhưng nhiều trường hợp thông tin không khớp và dễ xảy ra bất đồng, tranh cãi”.