Nghiên cứu mới: Có ít nhất 36 nền văn minh thông minh trong dải ngân hà

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Vật lý thiên văn uy tín của Mỹ gợi mở nhiều khả năng Trái đất chỉ là một trong nhiều khu vực có sự sống thông minh trong dải ngân hà.

CNN ghi nhận các nhà khoa học từ Đại học Nottingham (Anh) dựa trên những "Giới hạn Corpenic sinh học" để hoàn thành nghiên cứu. 


Bằng nhiều phương trình, nhóm nghiên cứu ước tính có khoảng 36 nền văn minh thông minh trong dải ngân hà - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Theo GS Christopher Conselice - trưởng nhóm nghiên cứu, nhóm sử dụng các giả định cùng nhiều giới hạn về sự phát triển sự sống trên hành tinh, tương tự như với Trái đất, qua đó phân tích khả năng xuất hiện các nền văn minh thông minh trong dải ngân hà.

"Khi đủ điều kiện, sự sống sẽ hình thành. Có thể giả định cách thức này tương tự như trên Trái đất", GS Conselice nói

PGS Tom Westby - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết điều kiện cơ bản tạo nên nền văn minh thông minh là thời gian. Nhóm ước tính các hành tinh tồn tại nền văn minh kỹ thuật cao như Trái đất hiện tại phải có "tuổi thọ" từ 4,5 - 5,5 tỉ năm.

Đồng thời, hành tinh này phải chịu ảnh hưởng từ ngôi sau giàu kim loại giống như Mặt trời. Đặc biệt với nền văn minh thông minh, hành tinh đó cần có các kết nối ra vũ trụ thông qua các loại bức xạ vô tuyến, vệ tinh...

Một số ràng buộc khác mà nhóm đưa ra trong các phương trình bao gồm độ tuổi, khả năng hỗ trợ của ngôi sao; lịch sử hình thành; hành tinh nằm trong khu vực có thể có sự sống hay không (khoảng cách phù hợp, không quá nóng cũng không quá lạnh, có nước dạng lỏng trên bề mặt...)


Công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất vẫn được nhiều thế hệ thiên văn học tiếp nối - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Sau khi hoàn thành các phương trình dựa vào những giới hạn trên, nhóm ước tính hiện có khoảng 36 nền văn minh thông minh đang hoạt động trong dải ngân hà.

Tuy nhiên theo GS Christopher Conselice, các nền văn minh này có thể cách xa Trái đất đến 17.000 năm ánh sáng nên hiện tại vẫn rất khó kết nối với nhau. Điều này dẫn đến một bài toán khó khác là xác định khoảng cách và thời gian cụ thể của những dấu hiệu sự sống này so với Trái đất.

Ông Conselice phân tích thêm: trong các giới hạn nghiên cứu, yếu tố nằm trong khu vực có thể có sự sống là rất quan trọng. Ngoài ra, hành tinh này phải quay quanh một ngôi sao ổn định trong hàng tỉ năm.

"Nghiên cứu những nền văn minh thông minh ngoài vũ trụ không chỉ vén bức màn về các sự sống mới mà còn có thể gợi mở câu trả lời nền văn minh trên Trái đất có thể kéo dài bao lâu", GS Conselice nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất