Nghiên cứu mới gần đây minh oan cho Nữ hoàng Galla Placidia

Sử sách La Mã ghi chép, Galla Placidia là người đàn bà độc địa, ăn nằm với kẻ thù, "rước voi giày mả tổ" và đẩy Đế quốc Tây La Mã vào con đường diệt vong.

Tuy nhiên, nghiên cứu chuyên sâu gần đây về nữ hoàng bị phỉ báng nhiều nhất này lại cho ra các kết quả ngược lại. Bà không chỉ trải qua cuộc đời nhiều sóng gió hơn bất cứ ai, mà còn là nhân vật trị vì tuyệt vời.

Thời đại loạn lạc


Galla Placidia xứng đáng được ghi nhận là một nhà lãnh đạo tài ba của Tây La Mã. (Ảnh: Scala, Firenze).

Galla Placidia (? - 450) là con gái của Hoàng đế Theodosius I (347 - 395), quốc vương đầu tiên và cuối cùng của Vương triều Theodosius. Lúc nhỏ, công chúa được hứa hôn với Eucherius, con trai của Đại tướng Stilicho trong triều.

Placidia lớn lên trong cung điện Constantinople, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ). Bắt đầu từ năm 388, sau khi đã ổn định Đông La Mã, Theodosius I dẫn binh đánh chiếm Tây La Mã. Năm 394, ông đánh bại quốc vương của nửa phía Tây, thống nhất La Mã.

Trước khi bị chia rẽ thành 2 nửa Đông - Tây, La Mã từng có thời kỳ cực thịnh. Thành Rome là kinh đô chung rực rỡ với cung điện nguy nga và 46,6 nghìn tòa nhà nhiều tầng, 1,8 nghìn lâu đài, 856 nhà tắm công cộng, 28 thư viện, 10 cống dẫn nước khổng lồ, 1,3 nghìn đài phun nước cùng hệ thống đường xá rộng thênh thang, dân số đông đúc tới hàng triệu người.

Tuy nhiên, kể từ năm 200, mọi sự đã đổi khác. Chiến tranh và loạn lạc khiến dân số Rome giảm gần một nửa, tình trạng vô pháp đầy rẫy khắp các ngả.

Sau khi thống nhất La Mã, Theodosius I tuyên bố Cơ đốc giáo là quốc giáo, cho phép đàn áp tất cả các tôn giáo khác, khởi động “cuộc chiến văn hóa” tàn bạo nhất. Suốt năm 392, các đám đông Cơ đốc giáo cuồng tín điên cuồng đập phá đền thờ ngoại đạo, bao gồm cả Thánh đường Olympia và Tượng thần Zeus.

Năm 395, Hoàng đế Theodosius I băng hà. La Mã lần nữa bị tách thành 2 nửa, phía Đông do Thái tử Arcadius cai quản, phía Tây do Hoàng tử Honorius vẫn đang tuổi thiếu niên phụ trách. Công chúa Placidia được lệnh dời Istanbul, tới Rome.

Năm 401, Hoàng đế Tây La Mã - Honorius chuyển đến thành phố cảng Ravenna, đóng đô. Vị vua trẻ này nổi tiếng bất tài và hám danh. Năm 404, Honorius cướp công của Tướng Stilicho và tổ chức tiệc mừng linh đình trên Đồi Capitoline. Kể từ lúc này, quan hệ giữa Honorius và quần thần mỗi lúc một xấu đi.

Năm 408, Honorius chém đầu Stilicho và cả Eucherius vì đa nghi. Nhà vua cũng mặc kệ mâu thuẫn trong quân đội giữa lính La Mã và người Goth đánh thuê, làm ngơ thỏa thuận cung cấp lương thực mà Theodosius I đã ký để đổi lấy sự liên minh với người Goth. Bất mãn, hoàng đế của người Goth đương thời là Alaric I (370 - 410) dẫn khoảng 180 nghìn binh và dân, vây hãm Rome.

Công chúa “chiến lợi phẩm”


Chân dung Hoàng đế Alaric I, người biến Placidia thành "công chúa chiến lợi phẩm".


Chân dung "Hoàng hậu Goth" - Galla Placidia. (Ảnh: Alamy - Wikipedia.org)

Đầu năm 410, Rome dày đặc dân và lính Goth. Suốt 3 tháng, họ phong tỏa 12 cổng thành và chặn đứng mọi phương tiện vận chuyển trên sông Tiber. Ban đầu, người dân trong thành không quá hoảng loạn, vì tin tưởng Hoàng đế Honorius sẽ can thiệp. Không ngờ, Honorius không hề có bất cứ động thái nào.

Bị vây hãm lâu, Rome rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Người dân bị chết đói nhiều đến mức, thi thể chất đống trên đường phố. Dịch bệnh cũng tràn lan.

Công chúa Placidia vốn chẳng được ai để ý đột nhiên trở thành “đầu não Rome” chỉ vì đang sống ở trong thành. Các tin đồn như “Công chúa bắt tay với quân Goth”, “Công chúa thừa hưởng bản tính tàn bạo của vua cha”, “Công chúa muốn nhân cơ hội, bá quyền”… bùng phát.

Trước nguy cơ toàn thành chết đói, Thượng viện Rome buộc phải cống nạp cho Hoàng đế Alaric I 42 xe châu báu. Người Goth nhận nhưng không rút quân, ngược lại còn tăng cường binh lực.

Lý do duy nhất khiến Alaric I do dự công thành là tinh thần sùng đạo. Hoàng đế này lo sợ, gây đổ máu trong thành Rome linh thiêng sẽ bị Chúa trừng phạt. Dù quân lực hùng hậu, ông hy vọng có thể kết thúc xung đột bằng thỏa thuận có lợi cho tộc nhân của mình.

Trái với mong đợi của Alaric I, Hoàng đế Honorius đã cố ý từ bỏ Rome ngay từ đầu. Mùa Hè năm 410, lính và dân Goth bắt đầu hết lương thực. Không còn cách nào khác, Alaric I đành hạ lệnh tấn công.

Rome thất thủ ngay lập tức. Chỉ trong vòng 3 ngày, lính và dân Goth tìm kiếm và cướp sạch tài vật của Rome. Công chúa Placidia, lúc này đang trong độ tuổi 20, bị bắt sống như chiến lợi phẩm.

Sau 3 ngày vơ vét, Alaric I dẫn quân và dân cùng “chiến lợi phẩm sống” rời Rome. Hay tin, Hoàng đế Honorius thở phào nhẹ nhõm, vì quân Goth đã bỏ qua Kinh đô Ravenna.

Hoàng hậu hợp quốc

Chỉ vài tháng sau khi rời Rome, Alaric I ốm nặng và qua đời. Dân và lính Goth an táng ông tại vùng viễn Nam của La Mã, nơi họ đang lấn chiếm. Athaulf (370 - 415), em vợ của Alaric I, được mọi người nhất trí đưa lên ngai vàng.

Hoàng đế Athaulf nổi tiếng là thao lược, trẻ trung và điển trai. Tháng 1/414, ông đột ngột tuyên bố kết hôn với “công chúa chiến lợi phẩm” - Placidia. Trong suốt 4 năm đã qua và cả những tháng trước khi lên làm vua, Athaulf luôn là người giám sát Placidia.

Chính ông cũng là người hạ nhục Placidia lúc mới bắt được, bằng cách để công chúa ngồi trên xe ngựa không rèm che, rêu rao cho tất cả những nơi lính và dân Goth đi qua biết “đây là công chúa thất thế của La Mã”.

Người Goth thuộc kiểu du mục như quân Mông Cổ, di chuyển và cướp bóc liên tục. Có lẽ, sau một thời gian bị “đối xử đặc biệt”, Placidia cũng được xem như một thành viên của “quốc gia lưu động” này.

Thời cổ đại, người La Mã định kiến “Goth là lũ man rợ”. Theo phỏng đoán của các nhà sử học, Placidia, vì nếm mật nằm gai cùng với họ lâu ngày nên có thể có cái nhìn khác.

Trước lính và dân Goth, Hoàng đế Athaulf cho biết muốn lấy Placidia vì “Nàng ấy cao quý, xinh đẹp và thuần khiết hơn bất cứ phụ nữ nào”. Người Goth ủng hộ đức vua, tổ chức lễ cưới xa hoa bậc nhất tại Narbonne, Gaul (Pháp ngày nay), mời đông đảo các quý tộc La Mã và Goth tham dự.

Ngày cưới, Placidia mặc váy lụa hoàng cung của người Goth còn Athaulf mặc áo giáp tướng La Mã. Quốc vương và Hoàng hậu tuyên bố hợp nhất La Mã với Goth, chấm dứt chiến tranh và lưu động, xây dựng đất nước hòa bình cho con dân cả Goth lẫn La Mã đều được an ổn định cư.

“Ta tin tưởng và muốn nghe theo lời khuyên của Hoàng hậu, người thông minh và ngoan đạo nhất trên đời”, Athaulf nói. Nhân ngày cưới, Quốc vương tặng cho Hoàng hậu 50 trai tráng làm cận vệ, mỗi người đều mặc trang phục được may bằng lụa quý, bê theo 2 đĩa lớn, 1 chiếc chất đầy vàng và 1 chiếc chất đầy đá quý (đều là chiến lợi phẩm từ Rome). Không lâu sau, Placidia hạ sinh hoàng tử, đặt tên thánh theo tên ông ngoại - Theodosius.

Mới được vài tháng, Theodosius qua đời. Năm 415, Athaulf bị ám sát. Sau vài cuộc binh biến, Sigeric - em trai của Tướng Sarus, người có khả năng là chủ mưu vụ ám sát Hoàng đế Athaulf, lên làm vua. Lo sợ hậu họa, Sigeric giết toàn bộ con cái của Athaulf (có với vợ trước).

Hoàng hậu Placidia được tha chết vì “mang trong mình dòng máu La Mã” (Anh em Sarus và Sigeric có quan hệ hòa hảo với Hoàng đế Honorius), nhưng vẫn bị diễu thị chúng suốt 12 dặm đường. Cuối cùng, bà bị Sigeric đem ra thương lượng với Honorius, đổi lấy ngũ cốc.


Hoàng hậu Placidia và Hoàng đế Athaulf mở ra thời bình ngắn ngủi giữa người Goth và người La Mã. (Ảnh: Alamy)

Nhiếp chính toàn tài

Vừa quay về Tây La Mã, Placidia đã bị Hoàng đế Honorius ép gả cho vị tướng già khét tiếng xấu xí và gian xảo - Constantius. Cựu Hoàng hậu Goth phản đối kịch liệt, nhưng không thay đổi được tình hình.

Honorius vô cùng tin dùng Constantius, năm 421 còn phong cho ông tước hiệu cao quý nhất: Augusta.

Placidia có với Constantius 2 con, Honoria và Valentinian. Vì Hoàng đế Honorius không có con cái nên Valentinian, con trai của Placidia nghiễm nhiên trở thành người kế vị ngai vàng. Từ năm 417, trước khi sinh Valentinian 2 năm, Placidia đã cho xây dựng nhà thờ hoàng gia ở Ravenna - Santa Croce.

Bề ngoài của Santa Croce khá bình thường, nhưng bên trong thì trang hoàng cực kỳ lộng lẫy. Rất nhanh, nhà thờ này thu hút giới quý tộc khắp nơi, giúp Placidia hình thành mạng lưới quan hệ rộng, âm thầm thâu tóm quyền lực.

Chỉ vài tháng sau khi được phong Augusta, Constantius qua đời vì bạo bệnh. Hoàng đế Honorius, với bản tính đa nghi, lần nữa chĩa mũi kiếm vào Placidia, trục xuất bà khỏi Ravenna.

Chưa yên lòng vì đuổi được Placidia ra khỏi Ravenna được bao lâu, Honorius ngã bệnh và qua đời ở tuổi 38. Trước khi băng hà, Hoàng đế để di chỉ truyền ngôi cho Joannes, vị quan trong triều được ông tín nhiệm nhất.

Joannes không có dòng máu Hoàng thất Theodosius và điều này khiến dư luận bàn tán. Lập tức, Placidia huy động mạng lưới thế lực xây dựng được lúc ở Nhà thờ Santa Croce, đưa tin và lời cầu cứu tới Đông La Mã, nơi cháu bà, con trai hoàng huynh Arcadius - Hoàng đế Theodosius II đang nắm quyền.

Theodosius II gửi ngay một đội quân hùng hậu tới Tây La Mã, giúp Placidia và 2 con nhỏ của bà chiếm cung điện ở Ravenna. Sau sự kiện này, Placidia không chỉ thuận lợi đưa con trai mới 6 tuổi lên ngôi mà còn tiếp quản danh hiệu Augusta của chồng quá cố, trở thành nhiếp chính.

Suốt 10 năm tiếp theo, Nhiếp chính vương Placidia là điểm tựa vững chắc của Hoàng đế Valentinian III nhỏ tuổi. Bà thiết lập quốc pháp, quan tâm đời sống thường nhật của dân chúng và liên tục cải cách pháp luật cho phù hợp với thời cuộc.

Năm 437, Valentinian III bước vào tuổi trưởng thành, Placidia thôi làm nhiếp chính nhưng vẫn là cánh tay đắc lực nhất của con trai. Bà hoạt động tôn giáo tích cực, được các nhà thần học và giáo hoàng kính nể.

Ngoài Ravenna, Placidia còn quan tâm cả Rome, cấp nhiều ngân sách và sự trợ giúp.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất