Nghiên cứu mới: Nọc rắn độc Brazil có khả năng ức chế virus SARS-CoV-2

Các nhà nghiên cứu ở Brazil đã phát hiện phân tử trong nọc rắn jararacussu có khả năng ức chế virus SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu đăng tải trên chuyên trang khoa học Molecules vào tháng 8 cho thấy phân tử trong nọc rắn jararacussu có thể ức chế 75% khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 trong tế bào khỉ, theo Reuters.


Các nhà khoa học có thể điều chế phân tử được tìm thấy trong nọc rắn jararacussu, vì thế người dân không cần phải săn bắt chúng. (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi phát hiện thành phần này có thể ức chế protein quan trọng của virus SARS-CoV-2", theo ông Rafael Guido, giảng viên tại đại học Sao Paulo và là tác giả của nghiên cứu trên.

Phân tử này là một peptide, hay còn gọi là chuỗi axit amin, có khả năng kết nối với enzyme PLPro của virus corona mà không gây hại đến những tế bào khác. Enzyme PLPro kích thích sự phát triển và sản sinh của virus SARS-CoV-2.

Ông Guido cho biết peptide này có thể được điều chế trong phòng thí nghiệm, vì vậy người dân không cần phải săn bắt hay nuôi rắn jararacussu.

"Chúng tôi lo ngại rằng mọi người sẽ đi săn rắn jararacussu khắp Brazil và cho rằng họ sẽ cứu thế giới. Họ không cần làm thế", ông Giuseppe Puorto, Giám đốc bảo tàng sinh học thuộc Viện Nghiên cứu Butantan, Sao Paulo, cho biết. "Bản thân nọc rắn sẽ không thể chữa được Covid-19".

Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu là đánh giá độ hiệu quả theo các liều lượng khác nhau, cũng như khả năng ngăn chặn virus corona xâm nhập tế bào của phân tử này.

Họ hy vọng có thể thử nghiệm trên tế bào con người. Tuy thông tin cụ thể về thời gian tiến hành vẫn chưa được tiết lộ.

Rắn jararacussu là một trong những loại rắn độc lớn nhất ở Brazil. Con trưởng thành có thể dài đến 2 mét. Loài rắn này sống ở vùng vịnh của rừng Đại Tây Dương, Brazil, cũng như ở Bolivia, Paraguay và Argentina.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất