Nghiên cứu mới: sử dụng tơ nhện sẽ giúp chữa gãy xương hiệu quả

Phương pháp mới sử dụng một loại protein trong tơ nhện hứa hẹn sẽ mang tới cơ hội chữa trị gãy xương hiệu quả, rẻ tiền và hạn chế biến chứng hơn.

Các nhà sinh học thuộc ĐH. Connecticut, Mỹ đã phát triển thành công một phương pháp mới, sử dụng protein từ tơ nhện tạo nên chất kết dính có thể phân hủy sinh học, đồng thời là phương thuốc mới giúp chữa gãy xương hiệu quả.


Ngoài ứng dụng làm áo giáp chống đạn, giờ đây tơ nhện còn hỗ trợ chữa gãy xương.

Tơ nhện từ lâu đã được con người chú ý đến, không chỉ bởi tính bền chắc mà còn nhờ tính ứng dụng cao trong đời sống. Ngoài ứng dụng làm áo giáp chống đạn, giờ đây tơ nhện còn hỗ trợ chữa gãy xương hiệu quả.

Theo Interesting Engineering, nhóm nghiên cứu đến từ ĐH. Connecticut, Mỹ đã sử dụng sợi tơ nhện để tạo nên một hợp chất phân hủy sinh học đặc biệt. Hợp chất này có khả năng làm liền vết nứt gãy xương nhanh chóng.

Các nhà nghiên cứu hy vọng, phát hiện mới này sẽ giúp giải quyết một trong những vấn đề đau đầu của giới y học liên quan đến biến chứng của phương pháp chữa gãy xương truyền thống.

Thông thường, các bác sỹ sẽ sử dụng những tấm kim loại để nối và cố định xương. Tuy nhiên kim loại có thể truyền các ion vào trong mô cơ thể. Tác động của việc này có thể dẫn tới hiện tượng viêm, kích ứng và nặng hơn là các biến chứng về sau này.

Giáo sư Mei Wei tiết lộ, bà đã sử dụng một loại protein tìm thấy trong hầu hết các loại tơ có tên fibroin. Chúng là protein không hòa tan giúp nhện và bướm đêm có thể tạo ra thứ sợi bền chắc mà chúng ta vẫn hay thấy. Fibroin cũng được ứng dụng trong công nghiệp may mặc và y sinh.


Hợp chất phủ lên xương này cũng đủ dẻo dai và linh hoạt để giúp xương có được chuyển động tự nhiên nhất.

Wei đã hợp tác với giáo sư Dianyun Zhang, chuyên về cơ khí tại ĐH. Connecticut chế tạo ra một hợp chất đủ cứng và bền chắc, nhưng không quá đặc để tránh ảnh hưởng tới khả năng phục hồi và phát triển của xương.

Ngoài ra, hợp chất phủ lên xương này cũng đủ dẻo dai và linh hoạt để giúp xương có được chuyển động tự nhiên nhất. Thậm chí, hợp chất có thể tự tiêu biến sau một khoảng thời gian phẫu thuật mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào.

Fibroin từng được sử dụng trong nhiều nghiên cứu khoa học. Đơn cử vào năm 2016, các nhà nghiên cứu đã sử dụng fibroin phủ quanh thực phẩm để kiểm tra khả năng bảo quản của loại protein này. Bên cạnh đó, fibroin còn được dùng để tái tạo mô nhờ khả năng tương thích sinh học khá tốt với động vật có vú.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang bắt đầu thử nghiệm các dẫn xuất của hỗn hợp trên. Ngoài ra, họ đang tính đến việc kết hợp protein fibroin với các vật liệu tổng hợp để tạo nên một hợp chất bền chắc và có thể chịu tải tốt hơn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất