Nghiên cứu mới: Vì sao chó có thể hiểu tiếng người?

Một nghiên cứu mới cho thấy, loài chó thực sự có thể hiểu tiếng người. Thậm chí, chó còn xử lý những từ chúng nghe được theo cách tương tự với con người trong cùng một khu vực giống như khu vực xử lý ngôn ngữ trong não bộ con người.

Điều này giải thích tại sao người bạn tốt nhất của con người lại phấn khởi khi chúng ta nói “đi dạo” hoặc khi chúng ta đáp lại chúng bằng một giọng điệu trìu mến.

Hơn chục con chó được huấn luyện để nằm yên trong máy quét cộng hưởng từ giúp các nhà khoa học có thể theo dõi não của chúng hoạt động như thế nào khi các món đồ chơi được treo phía trên cao.

Khi nhóm nghiên cứu sử dụng các từ chính xác để mô tả những món đồ chơi, hoặc nói những từ vô nghĩa, các khu vực khác nhau trong não của lũ chó sáng lên.

Giáo sư thần kinh Gregory Berns thuộc Đại học Emory (Mỹ) cho biết: “Chó có thể có khả năng và động lực khác nhau để học và hiểu lời nói của con người. Chúng dường như cho thấy biểu hiện thần kinh trước ý nghĩa của các từ mà chúng đã được dạy, chứ không chỉ là những phản xạ có điều kiện cấp thấp giống như những phản xạ mà nhà bác học người Nga Pavlov đã phát hiện ra".


Chó là người bạn thân thiết của con người.

Ashley Prichard, tác giả đầu tiên của nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tâm lý của Bern, cho biết: “Nhiều chủ chó nghĩ rằng chó của họ biết ý nghĩa của một số từ, nhưng thực sự không có nhiều bằng chứng khoa học để chứng minh điều đó. Và chúng tôi muốn lấy dữ liệu từ chính con chó đó chứ không chỉ dựa trên nhận định của người chủ sở hữu”.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào các vấn đề xung quanh cơ chế hoạt động của não bộ của chó khi nghe một người nói, thậm chí là cả khi chúng chỉ nghe thấy một từ.

Berns cho biết: “Chúng tôi biết chó có khả năng xử lý ít nhất một số khía cạnh trong ngôn ngữ của con người vì chúng có thể học cách làm theo các mệnh lệnh bằng lời nói”.

Trong nghiên cứu mới nhất, được xuất bản trên tạp chí Frontiers in Neuroscience, chủ nhân của 12 con chó khác nòi đã huấn luyện chó của họ trong nhiều tháng với mục đích đi tìm và mang về hai đồ vật khác nhau khi họ gọi tên các đồ vật. Để dễ phân biệt, họ đã lựa chọn món đồ thứ nhất là một con thú nhồi bông, còn món thứ hai là một đồ chơi cứng hơn bằng cao su. Sau khi mang những món đồ này về cho chủ nhân, những con chó sẽ được thưởng bằng đồ ăn hoặc được khen ngợi.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện nói trên, con chó được đặt vào vị trí máy quét còn người chủ đứng ở chỗ trống, và trong những khoảng thời gian nhất định, họ nói tên món đồ mà con chó phải tìm rồi cho con chó xem món đồ đó.

Prichard nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ thấy những con chó phân biệt được sự khác nhau giữa những từ mà chúng biết và những từ chúng không biết. Và điều đáng ngạc nhiên là kết quả đi ngược lại với nghiên cứu về con người, khi con người thường cho thấy sự kích hoạt thần kinh tốt hơn cho những từ đã biết hơn là những từ mới lạ”.

Nghiên cứu này cũng không hoàn toàn cho thấy lời nói là cách hiệu quả nhất để chủ sở hữu giao tiếp với con chó của mình.

Trên thực tế, các nghiên cứu khác gần đây của cùng nhóm các nhà khoa học cho thấy hệ thống thần kinh củng cố của chó đồng bộ hơn với tín hiệu thị giác và khứu giác so với tín hiệu thu được từ lời nói.

Prichard cũng giải thích thêm: "Khi mọi người muốn dạy cho con chó của họ một điều gì đó, họ thường sử dụng khẩu lệnh bởi vì đó là thói quen của con người. Tuy nhiên nhìn từ góc độ nhận thức của chó, một lệnh trực quan có thể hiệu quả hơn, giúp con chó tiếp thu nhanh hơn".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất