Nghiên cứu nguồn khí sau hiện tượng hố nước tự sôi tại Sóc Trăng

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đề xuất các nhà nghiên cứu đánh giá sâu về trữ lượng nguồn khí sau khi có hiện tượng hố nước tự sôi và bốc cháy khi châm lửa.

Thông tin được nêu tại hội thảo "Khí gas từ giếng khoan nước sinh hoạt và định hướng nghiên cứu thăm dò, khai thác khí nông ở tỉnh Sóc Trăng" do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hôm 15/7.

Động thái này được thực hiện sau hơn 2 tháng khi người dân ở ấp Tà Ân A1, xã Thuận Hưng phát hiện ở cánh đồng lúa nằm cách khu dân cư khoảng 100m có hố nước tự sôi, châm lửa liền bốc cháy. Nhiều người cho rằng đây là hiện tượng siêu nhiên nên đã thắp hương cúng bái trên miệng hố.


Khu vực phát hiện khí gas ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: An Lương).

Theo chính quyền địa phương, nơi này là giếng khoan cũ của một gia đình. Việc ở đây có khí cháy đã xuất hiện từ lâu, không có yếu tố huyền bí.

UBND tỉnh Sóc Trăng sau đó chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan đến khảo sát; mời các chuyên gia nghiên cứu giải thích hiện tượng và định hướng nghiên cứu thăm dò, khai thác.

PGS.TS Trần Văn Xuân, trường Đại học Bách khoa cho biết nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu khí gas từ giếng khoan nước sinh hoạt tại ấp Tà Ân A1 để xét nghiệm. Kết quả cho thấy khí này có nguồn gốc phân hủy từ vật liệu hữu cơ, hàm lượng CH4 cao (có thể là khí biogas hoặc khí dầu khí), có tiềm năng khai thác làm nhiên liệu.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cho biết khí bốc lên có hàm lượng CO2 và H2S thấp, cách xa khu dân cư, mức tác động thấp đến sinh hoạt của người dân, môi trường.


Lửa cháy trên miệng giếng khi châm lửa (Ảnh: An Lương)

Nói về việc khai thác sử dụng khí gas được phát hiện, ông Xuân cho rằng cần có đề án đánh giá tổng thể hình thái cấu trúc và phạm vi phân bố khí này một cách khoa học. "Việc nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc, phạm vi phân bố của nguồn tài nguyên này đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương", ông Xuân nói.

Ngoài ra, ông cho rằng cần nghiên cứu đề xuất giải pháp thu gom, lưu trữ, sử dụng lượng khí CH4 đang thoát ra (dùng làm khí đốt hoặc nhiên liệu chạy máy phát điện) để giảm thiểu quá trình phát tán tác động xấu đến môi trường. Giải pháp liên quan đến vận hành khai thác bền vững cần có sự tham gia hỗ trợ từ các trường, viện có các chuyên gia đúng chuyên môn hỗ trợ.

Cụ thể, xác định nguồn gốc và phạm vi phân bố của tích tụ khí tại Ấp Tà Ân A1, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú và Thạnh Tân Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Qua đó đánh giá tiềm năng khí, các khoáng sản đi kèm và nước dưới đất đến độ sâu khoảng 500 m.

Cũng theo vị chuyên gia này, Việt Nam có trữ lượng dầu mỏ khoảng 4,4 tỷ thùng, khí thiên nhiên khoảng 23,8 tỷ m3. Khí thiên nhiên tích tụ đã được phát hiện ở miền Trung, Đông và Tây Nam bộ.

Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đề xuất trong thời gian tới, các nhà khoa học cần đánh giá cụ thể về trữ lượng nguồn khí, từ đó nghiên cứu sâu vấn đề khí nông tại tỉnh.

Ngoài Sóc Trăng, tại xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đang có gần 100 hộ đang sử dụng nguồn gas từ giếng khoan.

Tại Trà Vinh, gần 8 năm nay, các hộ dân hai ấp Phú Đức 1 và Phú Đức 2 (xã Bình Phú, huyện Càng Long) khoan giếng để dùng khí đốt miễn phí từ lòng đất.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất