Ngoại hành tinh gần nhất có thể chụp ảnh trực tiếp

Nhà nghiên cứu ở Đại học Hawaii chụp ảnh trực tiếp ngoại hành tinh ở cách Trái Đất 35 năm ánh sáng.


Mô phỏng ngoại hành tinh COCONUTS-2b. Ảnh: SOEST/UH.

Hành tinh mới phát hiện mang tên COCONUTS-2b, quay quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách lớn gấp 6.000 lần so với Trái Đất quay quanh Mặt Trời, biến nó thành ngoại hành tinh lạnh thứ hai từng được chụp ảnh từ trước tới nay.

Với nhiệt độ 160 độ C, COCONUTS-2b mát hơn một chút so với phần lớn lò dùng để nướng bánh quy. Là hành tinh khổng lồ có quỹ đạo siêu rộng và ngôi sao chủ khá lạnh, COCONUTS-2 đại diện cho hệ hành tinh rất khác so với hệ Mặt Trời, theo trưởng nhóm nghiên cứu Zhoujian Zhang.

Hành tinh gần hệ Mặt Trời nhất quay quanh Epsilon Eridani, cách Trái Đất 10,5 năm ánh sáng, theo NASA. COCONUTS-2b quay quanh ngôi sao lùn đỏ khối lượng thấp, nằm trong hệ hành tinh COCONUTS-2. Các nhà nghiên cứu có thể chụp ảnh trực tiếp ngoại hành tinh này nhờ ánh sáng phát ra từ nguồn nhiệt còn sót lại sau khi hành tinh hình thành. Tuy nhiên, do tổng năng lượng yếu hơn một triệu lần so với Mặt Trời, nhóm nghiên cứu chỉ có thể phát hiện nó bằng ánh sáng hồng ngoại.

"Phát hiện và nghiên cứu trực tiếp ánh sáng từ hành tinh khí khổng lồ xung quanh các ngôi sao khác là điều rất khó khăn bởi những hành tinh chúng ta tìm thấy thường có quỹ đạo hẹp và bị che khuất bởi ánh sáng từ ngôi sao chủ", đồng tác giả nghiên cứu Michael Liu cho biết. "Với quỹ đạo siêu rộng, COCONUTS-2b sẽ là phòng thí nghiệm tuyệt vời để nghiên cứu khí quyển và thành phần của hành tinh khí khổng lồ non trẻ".

Các nhà nghiên cứu chụp ảnh ngoại hành tinh lớn gấp 6 lần sao Mộc nhờ khảo sát COol Companions ON Ultrawide orbiTS (COCONUTS). Ban đầu, hành tinh được phát hiện năm 2011 thông qua vệ tinh Wide-field Infrared Survey Explorer, nhưng tại thời điểm đó, nó được cho là vật thể trôi nổi tự do, không quay quanh ngôi sao nào. Zhang và cộng sự phát hiện nó xoay quanh ngôi sao chủ có khối lượng bằng 1/3 Mặt Trời và niên đại nhỏ hơn 10 lần (độ tuổi của Mặt Trời là 4,5 tỷ năm).

Do khoảng cách lớn giữa COCONUTS-2b và ngôi sao chủ, nhiều khả năng bầu trời ở đây sẽ rất khác so với Trái Đất bởi ngày và đêm đều giống nhau. Ngôi sao chủ trông giống vầng màu đỏ sáng rực trên bầu trời. Các nhà nghiên cứu sẽ công bố phát hiện trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất