"Ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc" cheo leo trên vách núi hơn 1.500 năm
Huyền Không Tự nằm ở độ cao hàng chục mét trên vách núi Hằng Sơn suốt hơn 1.500 năm, được mệnh danh là "ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc".
Huyền Không Tự hay chùa Huyền Không nằm cheo leo trên vách núi Hằng Sơn ở thành phố Đại Đồng (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Đây là công trình kiến trúc bằng gỗ được xây dựng trên vách núi cao nhất và được bảo tồn nguyên vẹn nhất ở Trung Quốc.
Nhìn từ xa, ngôi chùa nặng hàng chục tấn dường như chỉ được chống đỡ yếu ớt bởi vài cây cột trên vách núi cao hàng chục mét. Chính vì vậy mà Huyền Không Tự được mệnh danh là "ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc".
Huyền Không Tự cũng từng được tạp chí Time bình chọn là một trong 10 tòa nhà "bất ổn định" nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế ngôi chùa được thiết kế vô cùng chắc chắn.
Theo ghi chép của các tài liệu lịch sử, Huyền Không Tự được thiết kế và xây dựng vào cuối thời Bắc Ngụy (386 - 535) bởi một nhà sư tên Liễu Nhiên.
Suốt hơn 1.500 năm lịch sử, Huyền Không Tự hứng chịu nhiều gió bão, động đất. Đặc biệt trong 40 năm qua đã xảy ra hai trận động đất từ cấp 6 trở lên, một trận thậm chí còn khiến 1/3 tòa nhà ở huyện Hỗn Nguyên gần đó sụp đổ, nhưng ngôi chùa vẫn lừng lững trên vách núi.
Toàn bộ kiến trúc hiện tại của Huyền Không Tự bao gồm 40 gian nhà chia thành ba tầng xếp chồng lên nhau từ thấp đến cao, điểm thấp nhất cách mặt đất khoảng 50 m và điểm cao nhất khoảng 90 mét.
Kiến trúc chùa được giữ chắc chắn bởi 97 thanh dầm ngang và 54 cây cột, tất cả được làm từ gỗ Độc cần. Trước khi sử dụng, những thanh dầm ngang và cột gỗ này được ngâm trong dầu tung để tránh bị mối mọt và mục nát.
Ngoài ra, phần lớn diện tích Huyền Không Tự nằm ẩn trong thân núi tạo sự chắc chắn cho ngôi chùa. Các lớp núi đá bao quanh cũng có tác dụng như chiếc ô che mưa nắng, giúp ngôi chùa tránh hiện tượng phong hóa gỗ và trường tồn theo thời gian.
Huyền Không Tự năm 1963.
Ngày nay, Huyền Không Tự trên vách núi Hàng Sơn là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách tham quan nhất ở tỉnh Sơn Tây.
- Chuyện lạ ở An Giang: Thi hài nhà sư còn nguyên vẹn sau 6 năm chôn cất
- Ngôi chùa nằm trên đỉnh núi tách đôi và những bí ẩn khiến hậu nhân đau đầu
- Ngắm kỳ quan Phật giáo trên con đường tơ lụa huyền thoại