Ngôi mộ thời Chiến Quốc bị xâm phạm tới 12 lần nhưng vẫn toàn vẹn: 'Chủ mộ quá cao tay!'
Việc ngôi mộ cổ này còn nguyên vẹn trước mộ tặc khiến cho các nhà khảo cổ kinh ngạc, chỉ biết cúi đầu thán phục tài trí của người xưa.
Vụ nổ bất ngờ
Hà Nam (Trung Quốc) là một tỉnh đồng bằng ở trung và hạ lưu sông Hoàng Hà, là vùng đất quan trọng khai sinh ra nền văn minh này. Nơi đây tồn tại hàng trăm ngôi mộ cổ của giới quý tộc từ Trung Hoa cổ đại, một phần đã được các nhà khảo cổ khai thác và bảo tồn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều ngôi mộ chưa được phát hiện.
Chính vì vậy, nơi đây trở thành một "mỏ vàng" thu hút những kẻ trộm mộ.
Theo các ghi chép, vào một đêm trước của Lễ hội mùa xuân ở huyện Thương Đài, dân làng đang hân hoan trong không khí đón năm mới thì đột nhiên nghe thấy những tiếng nổ lớn phát ra liên tiếp từ mặt đất. Mọi thứ rung chuyển như một trận địa chấn vừa quét qua.
Trong những ngày tiếp theo, người dân ở đây còn phát hiện ra trong khu đất canh tác của họ xuất hiện những hố sâu kỳ lạ.
Lúc này, cảnh sát địa phương quyết định bắt tay vào điều tra, họ nhanh chóng phát hiện vụ nổ và những chiếc hố kia là kết quả của một một vụ trộm mộ. Mộ tặc đã cố gắng đột nhập vào khu lăng bằng cách sử dụng thuốc nổ tạo đường hầm bí mật.
Tỉnh Hà Nam, Trung Quốc là nơi khai quật được hàng trăm di tích mộ cổ của quý tộc thời xưa. (Ảnh tham khảo: Sohu)
Sau vụ nổ, Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa tỉnh này đã vào cuộc để điều tra nghiên cứu về những di tích này, phát hiện đây là một quần thể lăng mộ với diện tích rộng lớn, bao gồm rất nhiều những ngôi mộ nhỏ chôn cất quý tộc từ thời Đông Chu (770 TCN - 256 TCN).
Tuy nhiên, có một điều kì lạ rằng khi kiểm tra đến ngôi mộ mang tên Quách Trương Sở, đội khảo cổ lại phát hiện tới 12 cái hố trộm được đào.Họ kết luận mộ này đã bị đào trộm ít nhất 12 lần, ắt hẳn bên trong sẽ chẳng còn món cổ vật nào. Nhiều người nhìn thấy cảnh này lắc đầu ngán ngẩm, khuyên đội khảo cổ nên từ bỏ việc khai quật.
Tài trí của chủ mộ
Không nghe những lời đàm tiếu bên ngoài, đội khảo cổ, bằng nghiệp vụ của mình, vẫn quyết định thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi khai quật xong lớp đất lớp niêm phong bên ngoài, một hầm mộ rộng lớn lộ ra. Hầm mộ phủ đầy cát mịn và khi đào sâu hơn nữa, các chuyên gia mới phát hiện ra ở đó có đặt hai chiếc quan tài bằng gỗ.
Đáng tiếc thay, cả hai quan tài này đều trống rỗng. Căn cứ vào 12 hố trộm được phát hiện, các chuyên gia cũng dễ dàng phỏng đoán ngôi mộ cổ này đã bị những kẻ trộm mộ dọn sạch. Tuy nhiên, với kinh nghiệm khảo cổ dày dặn, các chuyên gia đã không dừng lại mà kiên trì đào sâu hơn nữa.
Cỗ quan tài bị chôn giấu dưới lớp đá dày. (Ảnh: Sohu).
Lúc này điều bất ngờ mới được hé lộ: Hóa ra ngôi mộ này có tới hai tầng. Những chiếc quan tài ở tầng đầu đều là giả, dùng để đánh lạc hướng mộ tặc. Quan tài thật được lấp sâu trong lớp cát dày bên dưới.
Quả nhiên, trong chiếc quan tài cất giấu rất nhiều đồ tùy táng giá trị được người xưa mang theo khi đi về cõi vĩnh hằng, điều này khiến cho các nhà khảo cổ học hết sức phần khích.
Giải thích về việc tại sao trong mộ cổ có những cái bẫy đánh lừa như vậy, các chuyên gia cho rằng đây là chủ đích từ trước của chủ mộ.
Khi một quý tộc qua đời, họ sẽ được chôn theo nhiều của cải châu báu, điều này chắc chắn sẽ dễ dàng thu hút những tên trộm mộ.
Vì vậy, đá và cát được họ sử dụng để chống trộm, phía bên trên còn đặt hai chiếc quan tài gỗ giả để đánh lạc hướng bọn trộm mộ. Biện pháp chống trộm này có thể nói là rất thông minh và hoàn thiện, vừa có thể tránh làm phiền những người đã khuất và đồ tùy táng của họ, vừa giúp đời sau bảo vệ di sản văn hóa.
Ngoài phương pháp xây mộ hai tầng, các chủ mộ còn từng sáng tạo ra nhiều cách làm khác như xây bẫy cát chảy hay giấu kho báu phía dưới quan tài đá nặng để bảo vệ tài sản.
- Phát hiện "thay đổi lịch sử" từ mộ cổ thiếu nữ 9.000 năm tuổi
- Hài cốt mẹ ôm con suốt 6.000 năm ở Hà Lan