Ngôn ngữ cá voi phong phú hơn chúng ta tưởng
Cá voi lưng gù sử dụng tới 35 âm thanh trong các hoạt động giao tiếp. Chúng còn có những "trường ca" dành cho việc tìm kiếm bạn tình, một nghiên cứu được tiến hành tại Australia cho thấy.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng cá voi lưng gù giao tiếp với nhau bằng một vài âm thanh, trong đó có những tiếng kêu đơn giản báo hiệu có cá và một số "ca khúc" khá phức tạp từ những con đực khi tìm và chinh phục bạn tình.
"Điều bất ngờ nhất là chúng giao tiếp với nhau bằng 35 kiểu âm thanh khác nhau, trong khi chúng tôi nghĩ rằng con số đó cùng lắm là 10", Rebecca Dunlop, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Khi ở sâu dưới nước, cá voi lưng gù tạo ra các âm thanh bằng miệng. Còn khi ở trên mặt nước, chúng tạo âm thanh bằng cách đập đuôi hoặc vây xuống nước.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những âm thanh đó dường như rất quan trọng với cá voi trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như giúp mẹ con cá voi giữ liên lạc với nhau. Các con đực và con cái dường như có những âm thanh đặc thù riêng.
Cá voi đực sử dụng những âm thanh phức tạp để quyến rũ những con cái. Điều này cho thấy âm thanh là tín hiệu tình dục cơ bản trong những bản "tình ca" của cá voi. Về phương diện tỏ tình, cá voi lưng gù có phương pháp khá giống một số loài chim. Chỉ có điều, ở chim, độ dài của "bài hát" hoặc độ lớn của âm thanh mới là tín hiệu tình dục.
Một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm khẳng định rằng những ca khúc yêu đương của cá voi có quy luật ngữ pháp rõ ràng.
Thú vị hơn, nhóm của Dunlop nhận thấy một số âm thanh chỉ xuất hiện ở những con độc thân. Điều này cho thấy chúng không chỉ được sử dụng trong các hoạt động giao tiếp.
Nghiên cứu có thể giúp các nhà khoa học hiểu được những tiếng động từ tàu bè và các loại tiếng động khác do con người tạo ra tác động đến đời sống của cá voi thế nào.
"Những âm thanh do con người gây nên xuất hiện ngày càng nhiều ở các đại dương. Chúng ta khó mà biết chúng tác động tới cá voi như thế nào nếu không biết được chúng giao tiếp với nhau ra sao trong một môi trường không có tạp âm", Dunlop nhận định.