Ngôn ngữ và công cụ thô sơ ra đời cùng lúc
Nghiên cứu mới chứng tỏ giả thuyết của Darwin cho rằng con người biết nói cùng lúc với biết chế tạo công cụ thô sơ.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Liverpool, Anh, đã tiến hành kiểm tra hoạt động não của 10 chuyên gia sản xuất công cụ đá. Người tham gia được yêu cầu thực hiện một bài thực hành chế tạo công cụ và một bài kiểm tra ngôn ngữ.
Các nhà khoa học đo hoạt động máu lưu thông trong não của người tham gia khi họ thực hiện hai nhiệm vụ trên, sử dụng phương pháp siêu âm xuyên sọ (fTCD), phương pháp kiểm tra chức năng ngôn ngữ của bệnh nhân.
Người tiền sử biết nói và chế tạo công cụ thô sơ cùng lúc. (Ảnh: Phys.org)
Theo kết quả nghiên cứu, hoạt động não diễn ra tương tự như nhau khi người tham gia thực hiện chế tạo công cụ và khi họ kiểm tra ngôn ngữ, chứng tỏ rằng hai chức năng này cùng sử dụng chung một vùng não bộ.
Tiến sĩ Georg Meyer, từ Khoa Tâm lý của Đại học Liverpool, cho biết: "Có sự tương đồng về mức lưu thông máu trong 10 giây đầu tiên khi thực hiện chế tạo công cụ và kiểm tra ngôn ngữ. Điều này cho thấy cả hai chức năng đều phụ thuộc vào một vùng não và phù hợp với lý thuyết cho rằng công cụ và ngôn ngữ tiến hóa cùng lúc với nhau".
Sử dụng ngôn ngữ và chế tạo công cụ được coi là phẩm chất độc đáo của nhân loại trong suốt quá trình tiến hóa qua hàng triệu năm.
Darwin là người đầu tiên đề xuất giả thuyết cho rằng việc sử dụng công cụ và ngôn ngữ có thể đồng tiến hóa cùng nhau, bởi vì cả hai chức năng đều dựa trên việc lập kế hoạch phức tạp và phối hợp đều đặn của các hành động. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít bằng chứng để hỗ trợ giả thuyết này.