Ngỗng hoang đổi hướng đi để đối phó biến đổi khí hậu
Một nghiên cứu quốc tế mới đây phát hiện loài ngỗng hoang Barnacle đang thay đổi và chọn lựa những địa điểm tìm thức ăn mới nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo đó, các con chim này đang bay xa hơn về hướng bắc ở Bắc Cực. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng cụ thể cho thấy động vật hoang dã đang tìm những hướng đi mới để đối phó với những môi trường sống đang bị thay đổi.
Đàn ngỗng cùng bay đi tìm nơi sinh sôi mới - (Ảnh: GETTY IMAGES).
Sau 45 năm quan sát, nhóm các nhà nghiên cứu Scotland đến từ Đại học St Andrew cùng các đồng nghiệp Na Uy, Hà Lan và Anh đã phát hiện rằng những con chim thiên di, theo truyền thống thường chọn cách quần tụ tìm thức ăn ngay phía nam của vòng Bắc Cực ở Na Uy, giờ đây chủ yếu chọn bay về phía bắc Na Uy vốn vượt xa vòng Bắc Cực.
Cũng theo phát hiện thì việc thay đổi sang tuyến đường bay mới đã được loài ngỗng truyền đạt và học hỏi lẫn nhau.
Tiến sĩ Thomas Oudman thuộc khoa sinh học của Đại học St Andrew cho biết: "Điều có ý nghĩa là những con chim đã bay xa hơn về phía bắc, vì thời điểm ấy sẽ thường có tuyết khi chúng đến Na Uy và cũng là giai đoạn cung cấp nhiều chất bổ dưỡng nhất. Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên là những con ngỗng non cũng đã học cách thay đổi theo, một xu hướng mà chúng hẳn là chưa từng trải nghiệm so với độ tuổi".
Có thể thấy trái ngược với hầu hết các loài chim di cư khác, ngỗng hoang Barnacle phát triển mạnh mẽ ngay cả khi môi trường sống tự nhiên của chúng đang thay đổi nhanh chóng. Chúng có thể thích nghi với biến đổi khí hậu do có sẵn những nơi thay thế có đủ thức ăn vào đúng thời điểm và không có mối đe dọa từ con người hoặc các động vật nguy hiểm khác.
Trong khi đó, các loài động vật ít có tính tương tác xã hội hoặc ít khám phá hơn sẽ có thể mất nhiều thời gian hơn để khám phá những nơi như vậy.