Người bị tố mang HIV vào nước Mỹ được giải oan
Nghiên cứu mới của các nhà di truyền học chỉ ra virus HIV đã xuất hiện ở Mỹ từ lâu trước khi trường hợp được cho là mắc bệnh đầu tiên được phát hiện.
Một nhóm nhà di truyền học quốc tế minh oan cho Gaetan Dugas, tiếp viên hàng không người Canada có biệt danh "bệnh nhân số không", bị cáo buộc mang HIV tới nước Mỹ, Independent đưa tin. Dugas có thể không phải người đầu tiên nhiễm virus gây ra đại dịch HIV ở Mỹ, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm qua.
Thông qua phân tích phức tạp về di truyền học, các nhà nghiên cứu kết luận virus HIV xâm nhập vào nước Mỹ từ vùng Caribbean năm 1970 và bị giới hạn ở thành phố New York trong khoảng 5 năm trước khi lan rộng xuống phía tây và ra toàn đất nước, dẫn đến đại dịch cướp đi mạng sống của 700.000 người Mỹ.
Gaetan Dugas được xem là người truyền HIV vào nước Mỹ. (Ảnh: AP).
Dugas chỉ là một trong hàng nghìn người nhiễm virus vào thập niên 1970, nhóm nghiên cứu kết luận sau khi xem xét mẫu máu lấy từ những người đàn ông ở New York năm 1978-1979 trong quá trình tìm hiểu bệnh viêm gan B phổ biến trong cộng đồng người đồng tính thời đó.
Các nhà di truyền học cho rằng HIV truyền sang người lần đầu tiên từ một con tinh tinh ở vùng cận sa mạc Sahara, châu Phi đầu thế kỷ 20. Căn bệnh lây lan ở Kinshasa, thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Congo trước khi được phát hiện ở Caribbean trong những năm 1960. Nghiên cứu mới chỉ ra căn bệnh truyền từ Haiti đến thành phố New York năm 1970-1971.
"Thực sự không có gì đáng băn khoăn về hướng dịch chuyển địa lý", Michael Worobey, nhà sinh vật học tiến hóa ở Đại học Arizona, Tucson, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết. "Thành phố New York đóng vai trò như cửa ngõ để virus lan sang bờ Tây, tới Tây Âu, Australia, Nhật Bản, Nam Mỹ và những nơi khác".
HIV chính thức được giới y học ghi nhận vào năm 1981. Dugas qua đời vì bệnh AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch) ở Quebec, Canada, năm 1984. Ông bị các phương tiện truyền thông cáo buộc là người truyền bệnh AIDS vào nước Mỹ.
Virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người. (Ảnh: Medical Daily).
Năm 1987, phóng viên Randy Shilts gọi Dugas là "bệnh nhân số không" để chỉ trường hợp đầu tiên nhiễm virus trong cuốn sách về khủng hoảng HIV/AIDS mang tên And the Band Played On. Cuốn sách và bộ phim ra đời sau đó mô tả Dugas tiếp tục quan hệ tình dục với nhiều người khác dù bác sĩ khuyến cáo ông có thể lây bệnh.
Trong một nghiên cứu ở California của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ, Dugas nằm trong mạng lưới 40 người đàn ông ở 10 thành phố nhiễm HIV có liên hệ với nhau thông qua quan hệ tình dục.
Cũng trong nghiên cứu đó, Dugas được đặt tên là bệnh nhân "O", có nghĩa "người sống ngoài California". Ký hiệu sau này bị đọc nhầm thành "số không" và được dùng để ám chỉ Dugas là nguồn lây HIV ở Mỹ. Trên thực tế, Dugas không bộc lộ triệu chứng mắc bệnh AIDS cho đến năm 1979, muộn hơn nhiều so với một số người đàn ông khác trong nghiên cứu.