Người dân ở Kiên Giang sở hữu ba mẫu hóa thạch niên đại hàng triệu năm

Ông Trương Văn Chiến, 56 tuổi, ở thành phố Rạch Giá, đang sở hữu hóa thạch của hai con ốc có niên đại cách nay 130 triệu năm và của một loài trong họ tê giác hàng triệu năm.

Các mẫu vật được ông Chiến sưu tầm từ những người đánh bắt hải sản bằng ghe cào ở vùng biển Phú Quốc cách đây 42 năm. Gần đây, ông Chiến đã mang mẫu vật này ra Hà Nội gặp tiến sĩ chuyên ngành cổ sinh học và địa tầng học Trịnh Dánh để xác định niên đại.


Hóa thạch Microschiza sp. (Ảnh do ông Chiến cung cấp)

Hai hóa thạch ốc không được bảo tồn nguyên vẹn trong quá trình di chuyển xáo trộn dưới đáy biển đã lâu năm. Hình dạng, kích thước và các yếu tố cấu trúc chủ yếu còn bảo tồn của mẫu vật chỉ cho phép định hướng để xác định hóa thạch với đơn vị phân cấp giống.

Theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Trịnh Dánh, hội viên Tổng hội địa chất, hóa thạch ốc đầu tiên có tên khoa học Microschiza sp. Đây là khuôn trong của vỏ một loài thân mềm chân bụng kích thước lớn thuộc giống Microschiza. Nó cao gần 8cm, gồm 6 vòng cuộn; vòng dưới cùng cao 4cm, đường kính 7cm. "Hóa thạch có thể nằm trong khoảng giáp ranh Jura-Creta, khoảng 140-130 triệu năm cách nay", theo bản kết luận.


Ông Nguyễn Văn Chiến và mẫu hóa thạch ốc. (Ảnh: Hữu Phương)

Hóa thạch thứ hai niên đại như trên có tên khoa học là Homomya sp. Hóa thạch là khuôn trong mảnh trái của vỏ một loài thân mềm hai mảnh vỏ kích thước lớn thuộc giống Homomya. Nó dài khoảng 11cm với chân mềm nhô ra khỏi vỏ lúc bị trầm tích vùi lấp.

Một mẫu hóa thạch động vật khác đang được ông Chiến lưu giữ là sừng tê giác. Mẫu này dài khoảng 10cm, hình khối nón hơi cong, chớp tù, đáy loe gần tròn với hai chiều xuyên tâm là 6cm và 5cm.

Căn cứ vào hình dạng của mẫu vật, đặc biệt là cấu trúc vỏ và tùy thể hiện ở mặt đáy, đối chiếu với các văn liệu của sừng tê giác hóa thạch và hiện đại, tiến sĩ Trịnh Dánh cho rằng, đây là sừng hóa thạch của một loài trong họ tê giác.


Sừng hóa thạch của một loài trong họ tê giác. (Ảnh do ông Chiến cung cấp)

Do mẫu vật không còn bảo tồn được các đặc điểm có thể xác định được đến giống loài nên chỉ xác định được đến họ. Tên khoa học của mẫu hóa thạch là Rhinocerotidaegen.et sp.indet. "Tuổi niên đại của hóa thạch khó xác định vì không có dữ liệu địa chất đi kèm để đối chiếu, nhưng theo các văn liệu hiện có thể tính tới hàng triệu năm", theo kết luận của tiến sĩ Trịnh Dánh.

"Sau khi giám định và được cấp giấy chứng nhận thì gia đình tôi sẽ bảo tồn giữ gìn cho thế hệ mai sau chiêm ngưỡng", ông Chiến nói và cho biết, ông còn giữ nhiều hóa thạch của loài động vật khác như trái tim dê và con rắn hóa thạch.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất