Người đàn ông bền bỉ suốt 36 năm đào kênh qua 3 quả núi dẫn nước về làng
Trong suốt 36 năm ròng rã, một người đàn ông sống trong ngôi làng nhỏ hẻo lánh ẩn sâu sau những dãy núi một mình đào kênh qua 3 quả núi để dẫn nguồn nước sạch về làng.
Câu chuyện của trưởng thôn Huang Dafa ở ngôi làng nhỏ Caowangba khiến nhiều người liên tưởng tới tích xưa “Ngu Công dời núi” của người Trung Hoa. Caowangba vốn là ngôi làng nhỏ nằm ẩn sâu sau những dãy núi ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn vì nguồn nước sạch do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Do hạn hán kéo dài, thậm chí người dân tại đây không đủ nước sinh hoạt. Ngoài một cái giếng chung của cả làng, nguồn nước sạch ở đây luôn trong tình trạng hạn chế.
Chân dung người đàn ông 82 tuổi được ví như "Ngu Công dời núi"
Trước tình hình trên, trưởng thôn Huang Dafa quyết tâm tự mình xây dựng một con kênh dẫn nước. Dự án đầy tham vọng của ông bắt đầu từ năm 1959. Trong suốt 36 năm bền bỉ, ông tự tay làm nên con kênh dài gần 10km, băng qua 3 ngọn núi đá vôi để mang nước về làng.
Đường dẫn nước tưới tiêu chảy qua 3 ngọn núi.
Ban đầu khi mới đưa ra ý tưởng, gần như không ai tin tưởng Huang Dafa. Người ta cho rằng đây là điều viển vông. Nhưng trưởng thôn Huang vẫn thuyết phục một vài thanh niên trong làng bắt tay làm cùng mình kể từ năm 1959. Khi ấy, ông mới chỉ 23 tuổi.
Hiện dân làng Caowangba có đủ nước tưới tiêu.
Ông Huang hồi tưởng lại những ngày đầu. Một mình ông leo lên vách đá cao 300m và buộc mình vào thân cây ở đó. “Nếu tôi không làm thế, chẳng ai dám làm theo”, ông nói. Sau khi chứng kiến sự dũng cảm của người đàn ông này, thậm chí một số người lại bỏ cuộc vì cho rằng quá nguy hiểm.
Cùng một số thanh niên, ông Huang mất 10 năm đầu đào đường hầm dài 100m qua núi. Không một dụng cụ hiện đại nào hỗ trợ, họ chỉ có phương tiện lao động bằng tay thô sơ. Nhận thấy không ai trong số họ hiểu biết về đường thủy và hệ thống tưới tiêu, ông Huang lại tự mày mò nghiên cứu kỹ thuật nước trong vài năm trời ở thị trấn Fengxiang.
Quay lại làng vào năm 1990, ông cùng một số người làng lại tiếp tục công việc. Ông thường xuyên phải có mặt trên núi để hướng dẫn đốc thúc mọi người. Điều này ảnh hưởng lớn tới đời sống cá nhân riêng ông. Con gái ruột và cháu nội của ông Huang đều qua đời khi ông đang mải mê công việc trên núi.
“Bố không có nhà ngay cả khi em gái tôi đang nằm trên giường bệnh”, con trai Huang Binquan 53 tuổi chia sẻ với China Daily. “Đội xây dựng sẽ lúng túng không biết cách làm nếu bố không có mặt tại đó”, ông nói.
Hiện người dân có nguồn nước sạch ổn định để sinh hoạt.
Năm 1997, kênh nước dài 7200m và các kênh nhánh phụ dài 2200m hoàn thành, đưa nguồn nước chảy vào làng Caowangba. Nó cũng đi qua 3 làng khác và cung cấp nước cho người dân. Kênh được đặt tên là Dafa, cùng tên với người đầu tiên đưa ra ý tưởng này.
“Kể từ khi nước dồi dào, người dân sống sung túc ấm áp hơn. Nếu có thể làm điều gì đó, chúng ta lên làm luôn mà không chờ đợi”, ông khẳng định. Theo kết quả báo cáo từ ECNS, nguồn đường thủy ấn tượng mang lại lợi ích cho 1200 người dân, đẩy mạnh sản xuất lúa gạo từ 25.000kg tới 400.000kg một năm.
Năm 1995, kênh chứa nước được hoàn tất. Hệ thống điện và một con đường mới đã tới làng Caowangba. Tất cả các dự án đều do Huang Dafa tự tay sắp xếp lãnh đạo. Dù giờ đây ở tuổi 82 nhưng trưởng thôn Huang vẫn dành thời gian kiểm tra thường xuyên kênh tưới tiêu, đảm bảo hệ thống hoàn thiện đúng chức năng.
- Người đàn ông Ấn Độ dành 30 năm để đào kênh dẫn nước về làng
- Tận mục sở thị thành phố hẹp nhất thế giới, nơi rộng nhất chỉ 300 mét
- Khoảnh khắc cực ấn tượng con chim nhỏ ngang nhiên cưỡi trên đầu đại bàng