Người đàn ông "trăm u" bị xa lánh ở Bangladesh

Một người đàn ông Bangladesh mắc phải chứng bệnh đặc biệt, khiến hàng trăm khối u như bong bóng mọc lên khắp cơ thể.

Shadot Hossain được cho là mắc căn bệnh neurofibromatosis (u sợi thần kinh). Các khối u diễn biến ngày càng nghiêm trọng, bao phủ toàn bộ cơ thể Hossain, khiến ông không thể mặc áo hay gặp nhiều khó khăn trong chuyện ăn uống.

Neurofibromatosis là bệnh di truyền do rối loạn nhiễm sắc thể của hệ thống thần kinh, tạo ra những khối u trên các sợi thần kinh ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Đây không phải một dạng ung thư hay bệnh truyền nhiễm.

"Tôi cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải chịu đựng những nỗi đau như thế này. Tôi cảm thấy ngứa trên người và cổ. Cơ thể tôi rất nặng nề", ông chia sẻ.

"Mọi người đều cố gắng tránh xa khi nhìn thấy tôi, trẻ con hoảng sợ và bỏ chạy", ông nói.

Hossain cho biết những đứa trẻ gọi ông là "quái vật" cho dù hồi trẻ ông tương đối ưa nhìn. Trong khi đó, cậu con trai 12 tuổi của ông cũng vì thế mà né tránh ông.


Ông Hossain chụp cùng vợ con. (Ảnh: Rehman Asad).

"Tôi cảm thấy rất tệ, ban đêm không ngủ được vì lo sợ". Ông Hossain phát hiện bệnh vào năm 13 tuổi, tuy nhiên, gần 5 năm nay, tình trạng bệnh mới trở nên nên trầm trọng, ảnh hưởng đến thị lực.

Trước đó, ông vẫn lao động như người bình thường nhưng căn bệnh khiến ông phải bỏ dở công việc. Không có thu nhập ổn định, Hossain không thể tiếp tục điều trị bệnh hay giúp đỡ gia đình.

Bà Tajmohel Khatun, vợ ông Hossain cho hay gánh nặng tài chính đang đè nặng lên gia đình. Hiện giờ, chồng bà sử dụng nhà vệ sinh cũng cần sự giúp đỡ.

"Tôi phải chấp nhận sự thật này. Hai con gái tôi phải đi lấy chồng, đứa con trai còn lại không thể đến trường", bà tâm sự.

Ông Hossain đang chuẩn bị phẫu thuật loại bỏ các khối u để lấy lại thẩm mỹ. Nếu không thực hiện phẫu thuật, người đàn ông 47 tuổi có thể vĩnh viễn mất thị lực.

Gia đình người đàn ông mắc căn bệnh quái ác này đang trông mong vào sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện.

Nhờ vào những nỗ lực kêu gọi hỗ trợ của Mohammed Mamun Biswas, nhân viên công tác xã hội địa phương, ông Hossain có thể đến bệnh viên ở Dhaka để được chẩn đoán và điều trị trong vài tuần tới.

"Mong rằng chồng tôi sẽ qua khỏi để tôi không phải sống cuộc đời góa phụ. Cuộc sống của chúng tôi vốn chẳng bình yên", vợ ông chia sẻ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất