Người đầu tiên chữa khỏi HIV mà không cần ghép tủy xương

Một người đàn ông Brazil có thể là bệnh nhân đầu tiên chữa khỏi HIV mà không cần ghép tủy xương, các nhà nghiên cứu cho biết hôm 7/7.

HIV ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên toàn cầu và mặc dù căn bệnh không còn là bản án tử hình như trước đây, bệnh nhân cần phải uống thuốc suốt đời.

Những năm gần đây, hai người đàn ông - được gọi là bệnh nhân "London" và "Berlin" - dường như đã được chữa khỏi HIV sau khi cấy ghép tủy xương tế bào gốc trong điều trị ung thư.

Giờ đây, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tin rằng có bệnh nhân thứ ba không còn dấu hiệu nhiễm HIV sau khi trải qua phương pháp điều trị khác.

Bệnh nhân này là một người đàn ông Brazil 34 tuổi. Ông được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2012.

Trong nghiên cứu, người này đã được sử dụng một số loại thuốc chống virus mạnh như maraviroc và dolutegravir để xem liệu chúng có thể giúp loại bỏ virus HIV khỏi cơ thể hay không, theo AFP.

Hiện tại, người này đã hơn 57 tuần không điều trị HIV và vẫn có kết quả âm tính với kháng thể HIV.

Ricardo Diaz, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sao Paulo, cho biết bệnh nhân này có thể được coi là khỏi bệnh.

"Điều quan trọng với tôi là chúng tôi có một bệnh nhân đã được điều trị và hiện anh ta đang kiểm soát được virus HIV mà không cần tiếp tục điều trị", ông Diaz nói với AFP.


Timothy Ray Brown, biệt danh là bệnh nhân Berlin, tại Seattle, Mỹ vào ngày 4/3/2019. Ông là một trong hai người được chữa khỏi HIV nhờ phương pháp ghép tủy xương. (Ảnh: AP).

"Chúng tôi không thể phát hiện virus và anh ta đang mất phản ứng cụ thể với virus. Nếu bạn không có kháng thể thì bạn không có kháng nguyên", ông Diaz nói thêm.

Phát hiện của ông Diaz đã được công bố trong Hội nghị AIDS Quốc tế được tổ chức trực tuyến trong năm nay do đại dịch Covid-19.

Hôm 6/7, Liên Hợp Quốc cho biết năm ngoái, thế giới có 1,7 triệu người nhiễm HIV và hiện có hơn 40 triệu người sống chung với virus HIV.

Ông Diaz cho biết phương pháp điều trị của nhóm nghiên cứu là một phương pháp đạo đức hơn cho những người phải chống chọi với HIV nặng so với việc ghép tủy xương.

"Ghép tủy xương đi kèm với tỷ lệ tử vong cao. Có một loạt bệnh nhân đã chết vì quá trình này hoặc nó không có hiệu quả", ông Diaz nói.

Bà Sharon Lewin, chủ tịch của Sáng kiến ​​Xã hội AIDS Quốc tế hướng tới phương pháp điều trị HIV và giám đốc của Viện Doherty về Nhiễm trùng và Miễn dịch ở Melbourne, cho biết những phát hiện của Diaz là "rất thú vị".

Tuy nhiên, bà lưu ý về những hạn chế của nghiên cứu.

Bà Lewin nói rằng xét nghiệm kháng thể của bệnh nhân Brazil đã yếu dần theo thời gian. Điều này cho thấy phản ứng miễn dịch của ông đang giảm dần.

"Điều này là rất bất thường ở một người dùng thuốc chống siêu vi”, bà nói. "Bệnh nhân Berlin và London có thể là trường hợp ngoại lệ duy nhất. Trường hợp này cần được phân tích sâu hơn".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất