Người giàu đang “đẩy” ô nhiễm sang cho người nghèo

Trong khi các nước phát triển “xuất khẩu” chất thải sang các quốc gia đang phát triển, nhiều tỉnh giàu có tại Trung Quốc cũng tìm cách “đẩy” lượng khí thải CO2 sang các khu vực nghèo khó hơn.

Một số nhà nghiên cứu tại học viện Khoa học Trung Quốc, đại học Maryland, đại học California và đại học Cambridge đã thực hiện một cuộc nghiên cứu dựa trên mối liên hệ giữa hàng hóa và lượng khí thải trong 57 lĩnh vực công nghiệp trên khắp 26 tỉnh và 4 thành phố lớn.

Nghiên cứu cho thấy trong năm 2007, lượng khí thải tại Trung Quốc đã lên tới hơn 7 tỷ tấn, hơn một nửa trong số đó đến từ nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy được dùng để sản xuất hàng hóa. Kết quả cũng cho thấy các thành phố được cho là giàu có nhất Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và một số tỉnh miền đông như Quảng Đông, Chiết Giang...đã “bơm” hơn 75% lượng khí thải liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng vào bầu khí quyển của các tỉnh miền trung và miền tây.

Vào năm 2009, trong hội nghị Khí hậu Liên Hợp Quốc diễn ra tại Copenhagen, Trung Quốc đã cam kết sẽ giảm 17% lượng khí thải CO2 trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội từ năm 2010 đến 2015. Kế hoạch được thực hiện bằng cách áp đặt quy định giảm 19% khí thải tại các tỉnh giàu có phía đông, và 10% tại những vùng kém phát triển hơn. Tuy nhiên, chính sách đã dẫn đến xu hướng các chủ doanh nghiệp bắt đầu chuyển nhà máy và các hoạt động sản xuất đến những vùng chi phí thấp và tiêu chuẩn ô nhiễm bớt nghiêm ngặt hơn.

“Chúng tôi muốn giảm lượng khí thải CO2 chứ không phải “đẩy” sang những vùng khác. Những vùng phát triển cần phải chịu trách nhiệm, hỗ trợ về mặt công nghệ để đem đến cho những vùng “nghèo khó” một môi trường sống trong lành hơn”. Một nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Maryland nhận định.

Trung Quốc được biết đến là một thực thể thống nhất, nhưng cũng là đất nước bị phân chia trong nhiều lĩnh vực như địa lý, phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và lối sống. Điển hình, tại các vùng như Thượng Hải, Bắc Kinh hay Thiên Tân, lượng khí thải CO2 cao gấp 4 lần tại các tỉnh như Quảng Tây, Vân Nam hay Quý Châu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất