Người không ký ức
Không giống như Alzheimer, chỉ một cơn viêm não nghiêm trọng cũng có thể xóa sạch mọi ký ức trong quá khứ lẫn hiện tại của một nghệ sĩ tài hoa.
Lonni Sue Johnson, 63 tuổi, là một nghệ sĩ mắc chứng mất trí nhớ nghiêm trọng sau khi bị viêm não vào năm 2007. Căn bệnh này hủy hoại thùy cá ngựa bên trong não của bà, quét sạch hầu như toàn bộ ký ức cũ, cũng như ngăn chặn sự hình thành ký ức mới. “Bà ấy sống trong một dải mỏng manh của thời khắc hiện tại, và những gì diễn ra trước đó đều nhanh chóng tan biến”, tạp chí TIME dẫn lời người em gái Aline Johnson. Có thể nói, căn bệnh viêm não đã đẩy bà Sue "trôi dạt" trong những khoảnh khắc thời gian.
Sue là một phụ nữ lạc loài khi bị tước đi công cụ chủ chốt cho phép mỗi người biết mình là ai và kết nối như thế nào với thế giới bên ngoài. Bi kịch ập xuống vào tháng 12/2007, khi bạn bè cấp tốc đưa bà vào bệnh viện ở New York, trong tình trạng sốt đến 40 độ C. Bác sĩ chẩn đoán nhiều khả năng do virus Herpes Simplex. Nhưng thay vì chỉ gây ra một cơn cảm lạnh bình thường, con virus đã len lỏi lên dây thần kinh mặt hoặc chui sâu vào não, nằm ủ bệnh ở đó nhiều tuần. Ngay trước thềm năm mới 2008, virus này “nướng” não nạn nhân, tấn công thùy thái dương và hủy hoại thùy cá ngựa, nơi chứa hầu như mọi ký ức của con người.
Bà Sue đang học vẽ lại, dưới sự khuyến khích của mẹ và em gái - (Ảnh: NJ)
Khi cơn sốt được đẩy lui, người vẽ tranh minh họa cho hơn 50 cuốn sách, thường xuyên minh họa cho tờ The New York Times, The Wall Street Journal và một vài trang bìa của tạp chí New Yorker, tỉnh dậy mà không còn nhớ gì. Quá khứ hoàn toàn biến mất, tương lai không bao giờ tồn tại, còn hiện tại bị ép chặt vào dải thời gian mỏng manh, ngắn ngủi, đủ cho phép bà thốt lên câu nói tiếp theo.
Cũng giống như vòng lặp của một đoạn băng cũ, trí óc của Sue bị mắc kẹt hoàn toàn vào đó. Bác sĩ điều trị chưa từng chứng kiến trường hợp mất trí nhớ nào nghiêm trọng đến vậy. Cuộc hôn nhân 10 năm không còn chút dấu vết. Tên tuổi và diện mạo của bạn bè, đồng nghiệp bốc hơi hoàn toàn. Sự nghiệp, tài sản như không còn hiện diện nữa. Thậm chí kiến thức thông thường nhất cũng chẳng còn, và bà không nhớ được những cách chăm sóc bản thân, như đánh răng sáng tối. Trong tình trạng trôi dạt giữa dòng thời gian, Sue chỉ còn biết bám víu vào hai “cái neo” nối liền với quá khứ - người mẹ Maggi và em gái Aline. Dù không thể sống độc lập, Sue đang dần học lại cách đi, đứng, nói, ăn và mặc quần áo. Bà cũng đang bắt đầu tập vẽ lại.
Nếu không được điều trị, bệnh nhân nhiễm virus viêm não Herpes Simplex đối mặt tỷ lệ tử vong đến 70%, theo giới chuyên gia. Hằng năm, ở Mỹ có khoảng 300 ca. Những người may mắn sống sót thường bị tổn thương não nghiêm trọng, hầu hết ở thùy trán và thùy thái dương. Trong trường hợp của bà Sue, thùy cá ngựa hoàn toàn bị hư hại, theo Sabine Kastner, Giáo sư tâm lý của Đại học Princeton (Mỹ). Kể từ đó, bà Maggi và em gái Aline quyết định công bố trường hợp bà Sue và mời các nhà khoa học uy tín nhất tham gia cuộc nghiên cứu này. “Sứ mệnh của chúng tôi là phải tìm được cách biến bi kịch này thành cơ hội giúp đỡ những người khác”, bà Aline nói. Bằng cách đó, cuộc sống của bà Sue sẽ có ý nghĩa hơn.