Người lùn cổ đại Indonesia bị tổ tiên loài người xóa sổ?

Theo một nghiên cứu mới đây, những người lùn thời tiền sử sống ở Indonesia cách đây nhiều ngàn năm có thể đã bị xóa sổ bởi những con người hiện đại đầu tiên.

Di cốt hóa thạch của những người lùn có tên Homo floresiensis này được phát hiện trong một hang động ở đảo Flores (Indonesia) vào năm 2003. Khi đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, chủng người này đã tuyệt chủng từ cách đây khoảng 12.000 năm. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy, loài người nhỏ bé mang biệt danh là "Hobbit" này đã tuyệt chủng cách đây khoảng 50.000 năm.

Những người lùn này chỉ cao khoảng 50cm, có bộ não đặc trưng giống như não của loài tinh tinh hiện nay. Họ biết sử dụng công cụ bằng đá trong các hoạt động hàng ngày, bao gồm cả săn bắt loài voi lùn.


Hình ảnh phục dựng người Hobbit tiền sử. (Nguồn: Tech Times).

Khoảng 50.000 năm trước đây, tổ tiên loài người hiện đại đã có mặt trên khắp các đảo ở Indonesia, cùng thời điểm những người Hobbit cổ đại biến mất. Nhiều loài động vật, trong đó có loài rồng Komodo khổng lồ trên đảo Flores cũng tuyệt chủng vào thời gian này.

Các nhà nghiên cứu đang kiểm tra khả năng chính tổ tiên của loài người chúng ta đã trực tiếp khiến những người lùn trên đảo Flores bị tuyệt chủng.

"Câu hỏi đặt ra là, nếu tổ tiên loài người hiện đại không đổ bộ vào đảo Flores thì những người Hobbit có bị tuyệt chủng không. Tổ tiên chúng ta rất có thể là yếu tố quyết định cho sự biến mất của họ, nhưng chúng tôi vẫn cần phải tìm thêm bằng chứng" - nhà nghiên cứu Bert Roberts (Đại học Wollongong, Australia) cho biết.

Hang động nơi những người lùn từng sinh sống, trầm tích những mảnh xương, các công cụ bằng đá... đang được các nhà khảo cổ phân tích để xác định niên đại. "Các công cụ này có tuổi khoảng từ 50.000 đến 190.000 năm trước, trong khi xương của người lùn Hobbit có từ 60.000 đến 100.000 năm tuổi", ông Roberts cho biết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất