Người mẹ tốt hay không là do di truyền
Một người phụ nữ có trở thành mẹ tốt hay không ít nhiều là do di truyền. Một nghiên cứu mới gần đây tuyên bố rằng các nhà khoa học đã xác định được một gen chịu trách nhiệm chính cho việc này.
Theo Live Science, gene AVPR1A, đặc biệt là một alen của nó có tên là RS3, được coi là nguyên nhân khiến một người phụ nữ có thể trở thành người mẹ tốt hay không. Phát hiện này đã được đăng trên tạp chí Biology Letter của Hiệp hội Hoàng gia Anh (Royal Society), góp phần đưa thêm bằng chứng cho quan niệm di truyền học có thể ảnh hưởng tới kĩ năng nuôi dậy con cái.
Một trong những người chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu này, giáo sư Ariel Knafo thuộc Khoa Tâm lý, Đại học Hebrew, đã phát biểu rằng: "Dựa trên các nghiên cứu trước đây và căn cứ vào kết quả của chúng tôi, chúng tôi có thể đưa ra kết luận rằng một số cách cư xử của cha mẹ như việc ủng hộ, sự nhạy cảm, tính trách nhiệm... đều chịu ảnh hưởng của di truyền".
Các nhà khoa học đã tìm ra gene quyết định người phụ nữ có trở thành mẹ "tốt" hay không?
Knafo và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành nghiên cứu này với sự tham gia của 135 bà mẹ. Các bà mẹ sẽ tương tác với các cặp song sinh 3,5 tuổi của họ. Qua việc quan sát quá trình tương tác, các nhà khoa học sẽ ghi chép và đánh giá hành vi của bà mẹ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 35% các bà mẹ mang alen AVPR1A RS3 dễ cáu gắt với trẻ hơn bình thường. Alen này cũng được cho rằng có liên quan tới bệnh tư kỉ, một tình trạng tâm thần đặc trưng bởi việc gặp khó khăn trong giao tiếp và hình thành mối quan hệ.
Alen RS3 được cho là nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng xấu trong việc nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng các yếu tố môi trường, cùng với sự "trợ lực" của các gene khác sẽ có thể giảm bớt tính tiêu cực của RS3. Các bậc cha mẹ có alen này có thể tham gia các chương trình đào tạo nuôi dạy con cái.
Tin tức tốt lành khác là nếu phụ nữ cố gắng cải thiện kĩ năng làm mẹ của họ thì họ có thể xóa đi những tác động tiêu cực của gene ở con cái của họ. Cathi Propper, một nhà khoa học tại Đại học Bắc Carolina, cho biết: "Giai đoạn trẻ sơ sinh là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển hành vi. Mặc dù quá trình này sẽ liên tục thay đổi theo thời gian, việc nuôi dạy con cái tốt bao giờ cũng có một tác dụng tích cực ngay cả khi đứa trẻ thừa hưởng những gene ảnh hưởng xấu tới hành vi".