Người ngủ trưa 30 phút và 60 phút có tuổi thọ khác nhau thế nào?
Khi tuổi càng cao, thời gian và tần suất ngủ ngày sẽ tăng lên vì cơ thể dễ mệt mỏi, kiệt sức nhanh hơn so với tuổi trẻ. Trong đó, các chuyên gia nhận ra, độ dài và tần suất các giấc ngủ ngắn thậm chí còn tăng gấp đôi ở những người có triệu chứng sa sút trí tuệ. Vì vậy, mối quan hệ giữa sức khỏe, tuổi thọ và thời gian ngủ trưa là không thể bỏ qua.
Những điều cần biết về giấc ngủ trưa
Nghiên cứu chỉ ra: Đây mới là khoảng thời gian lý tưởng để ngủ trưa
Nghiên cứu khoa học đã phát hiện, tùy theo nghề nghiệp, cường độ làm việc và thể trạng mà thời gian ngủ trưa từ 6 phút đến 40 phút đều mang lại lợi ích đáng kể.
6 phút: Trí nhớ bắt đầu tăng cường
Một nghiên cứu của Đức cho thấy chỉ cần ngủ 6 phút có thể cải thiện trí nhớ. Sáu phút là đủ để não chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn, từ đó giải phóng thêm "không gian" để lưu giữ những kiến thức mới.
Chỉ cần ngủ 6 phút có thể cải thiện trí nhớ. (Ảnh minh họa).
20 đến 30 phút: Thời gian ngủ trưa tốt nhất
Các nhà khoa học của NASA phát hiện ra rằng ngủ trưa 24 phút có thể cải thiện hiệu suất làm việc lên 34% và tăng độ nhạy cảm tổng thể lên 54%.
Khoảng thời gian này cũng giúp làm chậm nhịp tim và bảo vệ tim.
40 phút: Nạp lại năng lượng cho bộ não của bạn
Nếu đêm hôm trước bạn không ngủ ngon và làm việc trong ngày đòi hỏi sự tập trung đặc biệt thì một giấc ngủ ngắn 40 phút có thể đưa bạn vào trạng thái ngủ nhẹ, giúp bạn nạp lại năng lượng cho não.
Nếu muốn ngủ từ 40 đến 45 phút, tốt nhất bạn nên đặt đồng hồ báo thức. Nếu ngủ trưa quá 45 phút, bạn sẽ rơi vào giấc ngủ sâu, dễ dẫn đến mệt mỏi, lú lẫn sau khi thức dậy do "quán tính giấc ngủ".
Ngủ quá 60 phút: Nhiều tác hại khôn kể
Trên Tạp chí của Hiệp hội Alzheimer Mỹ, một nghiên cứu được công bố đã chỉ ra rằng, ngủ trưa lâu không phải là điều tốt, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt những người có thói quen ngủ trưa quá 1 tiếng đã tăng 40% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer so với những người không ngủ trưa.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự gia tăng đáng kể về thời gian và tần suất ngủ trưa là một tín hiệu đặc biệt quan trọng của bệnh Alzheimer. Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng có mối liên hệ 2 chiều giữa giấc ngủ ngắn và bệnh Alzheimer. Ngủ trưa quá nhiều và quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer trong tương lai và bệnh Alzheimer cũng sẽ dẫn đến việc ngủ trưa quá lâu.
Leng Yue, trợ lý giáo sư tại Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi tại Đại học California, San Francisco, Mỹ cho biết: "Tốt nhất bạn nên giới hạn thời gian ngủ trưa xuống 15 đến 20 phút trước 15 giờ chiều để có được những lợi ích sức khỏe nhất của giấc ngủ ngắn. Điều này cũng giúp giấc ngủ ban đêm không bị ảnh hưởng quá nhiều".
Đồng thời, Chủ tịch của Hiệp hội giấc ngủ ở Anh - Nick Littlehales - cũng cho biết: "Khi thức dậy sau một giấc ngủ ngắn, bạn thường cảm thấy sảng khoái. Tuy nhiên, khi thức dậy sau một giấc ngủ sâu, bạn rất dễ mệt mỏi".
Ngoài ra, theo nghiên cứu, người ngủ trưa trung bình hơn 1 tiếng có nguy cơ đột quỵ cao hơn 1,88 lần so với những người không ngủ.
Người không ngủ trưa sẽ mất đi những lợi ích tuyệt vời này
1. Ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch
Ngủ trưa ngắn có thể làm dịu hệ thống tim mạch và giúp ổn định huyết áp. Dữ liệu sức khỏe của nhóm người tham gia có thời gian ngủ trưa ngắn hơn 30 phút cho thấy khả năng giảm đến 21% nguy cơ hình thành bệnh cao huyết áp.
Ngủ ngắn có thể giúp cơ mi của nhãn cầu được nghỉ ngơi. (Ảnh minh họa).
2. Bảo vệ mắt
Ngủ ngắn có thể giúp cơ mi của nhãn cầu được nghỉ ngơi, ngăn ngừa tình trạng giảm thị lực hiệu quả. Lúc này tuyến nước mắt cũng bắt đầu tiết ra nước mắt, có thể giúp dưỡng ẩm cho nhãn cầu sau khi làm việc cả buổi sáng.
3. Tăng cường trí nhớ
Ngủ trưa cũng có thể giúp bạn tăng cường trí nhớ, vì ngủ trưa không chỉ có thể hình thành những ký ức rời rạc thành ký ức có cấu trúc mạng lưới mà còn chuyển hóa thông tin từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn trong khi ngủ.
4. Tươi tắn và tràn đầy năng lượng
Sau một giấc ngủ ngắn, hầu hết mọi người đều cảm thấy sảng khoái và lạc quan hơn. Ngủ trưa có thể làm giảm căng thẳng cơ thể và giúp cải thiện tâm trạng của bạn.
- Học cách ngủ trưa "chuyên nghiệp" nhờ bí kíp khoa học
- 5 điều cấm kỵ đối với giấc ngủ trưa, không hề tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người đều không biết
- 4 điều cấm kị trong khi ngủ để tránh gây tổn hại cho thân thể