Người phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở Ấn Độ

Cách đây 30 năm, Ấn Độ lần đầu tiên phát hiện virus HIV tại nước này sau khi xét nghiệm mẫu máu của 6 gái mại dâm. Đó là nhờ những nỗ lực của một nhà khoa học trẻ, nhưng cho đến nay, công trình tiên phong này dường như đã bị lãng quên.

Cuối năm 1985, khi lần đầu tiên được đề nghị thực hiện đề tài sàng lọc người nhiễm HIV/AIDS, sinh viên ngành vi sinh học tại trường đại học y khoa Chennai Sellappan Nirmala cảm thấy ngần ngại. Ý tưởng này là của giáo sư cố vấn Suniti Solomon, khi Nirmala đang tìm đề tài cho luận văn tốt nghiệp.

Các trường hợp nhiễm AIDS được phát hiện tại Mỹ từ năm 1982, song các nhà chức trách y tế ở Ấn Độ cho rằng, căn bệnh này chưa thể đến Ấn Độ. Vào thời điểm đó, ý tưởng sàng lọc người nhiễm HIV/AIDS được coi là "không tưởng". Báo chí lúc đó viết rằng, HIV là một căn bệnh "đồi trụy phương Tây". Một số tờ báo thậm chí còn dự đoán rằng, đến lúc căn bệnh này đến Ấn Độ thì người Mỹ đã tìm ra cách chữa trị nó.

Ngoài ra, thành phố Chennai và khu vực Tamil Nadu lân cận được coi là đặc biệt truyền thống. Hàng trăm mẫu máu thu thập từ thành phố Mumbai hiện đại hơn rất nhiều đều cho kết quả âm tính. Bà Nirmala miễn cưỡng khi thực hiện đề tài này, song bác sĩ Solomon thuyết phục bà tiến hành.


Bà Nirmala (phải) và giáo sư Solomon. (Ảnh: BBC).

Bà Nirmala sẽ thu thập 200 mẫu máu từ các nhóm người có nguy cơ cao như gái mại dâm, người đồng tính nam và sinh viên châu Phi. Công việc này không hề dễ dàng. Không giống như Mumbai, New Delhi và Calcutta có quận đèn đỏ nổi tiếng, gái mại dâm ở Chennai không hoạt động ở một nơi cố định. Vì vậy, bà thường xuyên tới Bệnh viện Madras, nơi phụ nữ điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bà Nirmala cũng đến các nhà tạm giam, nơi gái mại dâm bị giam giữ nếu bị bắt. Trong hơn 3 tháng, bà thu thập được hơn 80 mẫu máu.

Bác sĩ Solomon lập một phòng thí nghiệm nhỏ tạm thời và giúp bà Nirmala tách huyết thanh từ các mẫu máu. Để lưu trữ máu, bà Nirmala phải giữ chúng trong tủ lạnh nhà mình. Vì không có cơ sở xét nghiệm ở Chennai, bác sĩ Solomon gửi các mẫu máu đến phòng xét nghiệm Đại học Y Christian (CMC) ở Vellore, cách Chennai 200km. Trong qua trình xét nghiệm, bà Nirmala và các đồng nghiệp phát hiện 6 trong số các mẫu máu chuyển sang màu vàng - tức là dương tính với HIV.

Ngay lập tức, bà Nirmala trở về Chennai thu thập mẫu máu của 6 phụ nữ này một lần nữa và gửi đến Mỹ xét nghiệm. Tất cả đều cho kết quả dương tính. Tin tức virus HIV chết người đã thực sự đến Ấn Độ được chuyển đến Hội đồng nghiên cứu y khoa và Thủ tướng Rajiv Gandhi. Các nhà chức trách bắt đầu cuộc chạy đua ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, HIV-AIDS đã trở thành đại dịch ở Ấn Độ sau đó. Hiện Ấn Độ có hơn 2,1 triệu người nhiễm HIV.

Tháng 3/1987, sau khi tốt nghiệp, bà Nirmala tham gia chương trình sản xuất vaccine tại Viện Y tế dự phòng Chennai cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2010. 30 năm sau, công trình mang tính đột phá giúp xác nhận sự hiện diện của HIV-AIDS tại Ấn Độ dường như đã bị lãng quên. Khi được hỏi có bao giờ bà cảm thấy hụt hẫng khi không được công nhận xứng đáng, bà Nirmala cho biết rất hạnh phúc khi làm điều gì đó giúp ích cho xã hội.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất