Người phụ nữ bỏ con nhỏ lại cho chồng để làm nên hành trình thay đổi lịch sử du lịch thế giới

Annie Londonderry đã bỏ lại chồng và ba con nhỏ để thực hiện hành trình biến mình thành biểu tượng cho phụ nữ độc lập.

Trong thập kỷ cuối của thế kỷ 19, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của xe đạp với doanh số bán ra đạt mức kỷ lục. Cái gọi là “xe đạp an toàn”, với các bánh xe có kích thước bằng nhau được dẫn động bằng dây xích, cộng thêm việc lốp bơm hơi ra đời, đã biến việc đạp xe từ một hoạt động nguy hiểm thành một thú vui tao nhã, giải trí và thậm chí tiện dụng. Đặc biệt, cánh mày râu càng ngày càng thích sử dụng xe đạp để đi làm. Xe đạp bắt đầu được sản xuất hàng loạt.

Xe đạp ra đời còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với phụ nữ khi lần đầu tiên họ tham gia hoạt động này. Chị em được tận hưởng sự tự do mà nó mang lại thay vì phải bó buộc trong trách nhiệm chăm sóc gia đình. Những chiếc áo nịt ngực và váy bồng bềnh thậm chí còn nhường chỗ cho những chiếc quần bó sát để phụ nữ có thể thoải mái đạp xe.

Xe đạp trở thành một phần của phong trào vì phụ nữ thời kỳ đầu.

“Hãy để tôi nói cho bạn biết suy nghĩ của tôi về việc đi xe đạp”, Susan B. Anthony, người ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 1896 trên tờ The New York World với nhà báo Nellie Bly.

“Tôi nghĩ nó đã giúp giải phóng phụ nữ nhiều hơn bất cứ điều gì khác trên thế giới. Tôi đứng nhìn và cảm thấy mừng vui mỗi khi nhìn thấy một người phụ nữ ngồi trên xe đạp. Nó mang lại cho người phụ nữ ấy cảm giác tự do và tự chủ”.

Nếu muốn lấy ví dụ điển hình về mẫu người phụ nữ "tự do, không bị gò bó” thời kỳ này, thì chắc chắn phải nhắc đến cái tên Annie Londonderry (tên thật là Annie Cohen Kopchovsky), một người Latvia nhập cư vào Mỹ tháng 6 năm 1894. Ở tuổi 23, bà đã đạp xe rời khỏi ngôi nhà ở Boston, để lại 3 người con cho chồng, để viết nên hành trình diệu kỳ, chưa từng có người phụ nữ nào làm được: VÒNG QUANH THẾ GIỚI BẰNG XE ĐẠP.

Hành trình tiên phong trong lịch sử

Giấu kín chuyện đã có gia đình trong hầu hết hành trình, Annie Cohen Kopchovsky tự nhận mình là Annie Londonderry và đồng ý mang theo tấm biển quảng cáo cho công ty nước Londonderry Lithia Spring ở bang New Hampshire (Mỹ) trên chiếc xe đạp đi vòng quanh thế giới. Thù lao nhận được là 100 USD. Chiếc xe đã trở thành bảng quảng cáo di động. Đây là kế hoạch kiếm tiền đầu tiên trong số rất nhiều kế hoạch mà Annie vạch ra để có thêm thu nhập trang trải cho chuyến đi.

Trên đường đi, Londonderry đã ký và bán đồ lưu niệm, tổ chức triển lãm xe đạp và thuyết trình cho những đám đông khá lớn. Londonderry khôn ngoan đến mức gửi thông báo về sự hiện diện của mình bằng cách đánh điện tín cho các tờ báo địa phương trước khi đặt chân đến nơi đó.

Londonderry khiến đám đông thích thú với những câu chuyện về cuộc phiêu lưu của mình. Chúng chẳng khác nào chuyện cổ tích.

Chẳng hạn như chuyện bà bị cướp ở Pháp, săn hổ Bengal ở Ấn Độ, và thậm chí có mặt ở chiến trường của trận chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ở đó bà bị bắn vào vai.

Londonderry tuyên bố, tùy thời điểm, bà tự nhận mình là một sinh viên y khoa Harvard, một luật sư, một đứa trẻ mồ côi, người sáng lập một tờ báo và một kế toán viên. Bằng năng khiếu sáng tác và tự quảng cáo bản thân của mình, Annie đã khiến không ít người ngưỡng mộ.

Chuyến đi đầy táo bạo và phiêu lưu của Londonderry được hoàn thành vào tháng 9 năm 1895. Việc bà trở lại Boston được đưa tin hời hợt trên tờ The New York Times. Londonderry trở về với một cánh tay bị gãy, sau khi đạp xe hàng trăm km với vết thương mà bà nói là do bị ngã.

Tuy nhiên, hành trình không hẳn giống như những gì Londonderry kể. Nhiều chi tiết đã bị che đậy trong sự thiếu chắc chắn, chủ yếu bắt nguồn từ khuynh hướng cường điệu hóa của bà.

Thực tế, Londonderry đúng là đã đi vòng quanh thế giới với một chiếc xe đạp, chứ không phải bằng cách đạp xe suốt toàn bộ chặng đường. Bằng chứng rõ ràng cho thấy từ Tây Âu tới Trung Đông và từ Marseilles, Pháp, tới Yokohama, Nhật Bản, bà đã di chuyển chủ yếu bằng tàu thủy.

Chặng đầu tiên của chuyến đi, Londonderry xuất phát từ Boston đến Chicago, và chặng cuối cùng, từ San Francisco đến Chicago, qua El Paso. Bà đã hoàn thành chặng đường - có vẻ như phần lớn - trên xe đạp. Do đó, nó là một tuyên bố hợp lý rằng bà là người phụ nữ đầu tiên băng qua lục địa Mỹ bằng xe đạp.

Dù sao đi nữa, hành trình của Londonderry là một cuộc hành trình tiên phong trong lịch sử, đặc biệt là với phái yếu.

Không như tưởng tượng

Khi bắt đầu hành trình, Londonderry chỉ vừa mới biết đi xe đạp và chiếc xe đầu tiên của bà là một chiếc xe tồi tàn, chẳng khác gì cỗ máy cồng kềnh nặng 20kg (hầu hết các xe đạp ngày nay chỉ nặng từ 9,5 đến 13,1kg).

Trong vài tháng đầu của chuyến đi, Londonderry cũng không từ bỏ váy để thay bằng quần ống rộng hoặc quần nam. Những con đường mà bà đi qua thường không trải nhựa, và bà phải mất tới 3 tháng để đặt chân đến New York và sau đó đến Chicago. Lúc đó đã là cuối tháng 9, thời điểm quá muộn trong năm để bắt đầu hành trình băng qua Great Plains.

Đã có lúc Londonderry cân nhắc việc từ bỏ cuộc hành trình của mình, nhưng sau khi kiếm được chiếc xe đạp mới chỉ nặng bằng một nửa chiếc cũ, bà quyết định đi tiếp và đã đảo ngược lộ trình, quay trở lại New York (không rõ liệu cô ấy có đạp xe suốt chặng đường hay không) và lên một con tàu hơi nước đến châu Âu.

Ở đó, Londonderry đã đạp xe (với một khoảng thời gian đi tàu) từ Paris đến Marseilles. Khi bà khởi hành đến Alexandria, Ai Cập, vào ngày 20 tháng 1 năm 1895, một đám đông hàng nghìn người - bao gồm cả đội trống và kèn và một nhóm người đi xe đạp địa phương - đã xuất hiện để tiễn bà lên đường.

Sự nổi tiếng của Londonderry, mặc dù kéo dài đến khi hoàn thành chuyến đi, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, và cuộc phiêu lưu của bà có lẽ sẽ không được nhiều người biết đến nếu không có Peter Zheutlin, một nhà báo và người có sở thích đi xe đạp. Hàng chục năm sau khi Londonderry qua đời, Peter Zheutlin bị hấp dẫn bởi câu chuyện phi thường của Londonderry.

Ông biết bà Londonderry là em gái ông cố của mình nên quyết định viết một cuốn sách về bà. Cuốn sách mang tên “Vòng quanh thế giới trên 2 bánh xe: Chuyến đi phi thường của Annie Londonderry” (2007).

Để viết ra cuốn sách này, Peter phải lùng sục các kho lưu trữ báo chí từ khắp nơi trên thế giới, lục tìm các di vật của gia đình và tìm được người cháu gái duy nhất còn sống của Londonderry.

Londonderry có tên khai sinh là Annie Cohen. Bà chào đời ở Latvia vào khoảng năm 1870 hoặc 1871, là con gái của vợ chồng Levi và Beatrice Cohen. Gia đình chuyển đến Mỹ vào năm 1875 và định cư ở Boston. Năm 1888, bà kết hôn với Max Kopchovsky, một người bán rong và đến năm 1892, họ có hai con gái và một con trai.

Thực tế, bà Londonderry nói rằng bà thực hiện chuyến đi để giải quyết vụ cá cược giữa các doanh nhân Boston về việc liệu phụ nữ có thể chất tốt như đàn ông hay không. Đó là câu chuyện bà kể với công chúng ở mọi điểm dừng chân trong hành trình. Bà giải thích với hết phóng viên này đến phóng viên khác rằng bà sẽ nhận được 10.000 USD nếu hoàn thành hành trình của mình sau 15 tháng, ngoài ra còn có 5.000 USD mà bà tự kiếm được trên đường đi.

Londonderry tuyên bố cuối cùng đã giải quyết vụ cá cược và nhận tiền thưởng. Nhưng cuốn sách của Peter khiến câu chuyện đó bị nghi ngờ, và ông kết luận rằng không có doanh nhân nào như vậy, cũng chẳng có vụ cá cược nào xảy ra.

Bà Londonderry trở về với gia đình khi chuyến đi kết thúc, và rõ ràng là không bao giờ coi việc đi xe đạp trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời nữa. Londonderry từng có bài viết kể về hành trình vòng quanh thế giới trên xe đạp được đăng trên báo New York World. Ngày 11/11/1947, bà qua đời vì lên cơn đau tim.

Londonderry và chồng đón đứa con thứ tư chào đời vào năm 1897, và bà lại rời nhà một thời gian và làm nhân viên bán hàng ở Ukiah, California, cách San Francisco khoảng 185km về phía bắc. Khi trở về, bà và chồng sống ở Bronx và điều hành một cơ sở kinh doanh quần áo nhỏ, với 20 nhân viên.

Peter Zheutlin viết, công việc kinh doanh của gia đình bà Londonderry đã bị phá hủy bởi một trận hỏa hoạn vào những năm 1920, và bà đã sử dụng tiền bảo hiểm để bắt đầu kinh doanh ở Manhattan. Công ty có tên là Grace Strap & Novelty.

Londonderry qua đời vì đột quỵ vào ngày 11 tháng 11 năm 1947. Chồng bà qua đời vào năm trước đó.

Trong cuốn sách của mình, Peter Zheutlin viết rằng Londonderry đã thực hiện cuộc hành trình của mình vì khao khát danh tiếng, sự phấn khích và sự độc lập mà vai trò xã hội thông thường đã không trao cho bà. Londonderry thích kể chuyện, thích có một câu chuyện để kể, và thích đại diện cho phụ nữ cũng kinh doanh như nam giới.

Peter Zheutlin viết: “Thực sự không có cách nào để đo lường tác động từ cuộc phiêu lưu của bà ấy đối với cuộc đấu tranh lớn hơn cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Nói vậy có thể thấy hành trình của Londonderry đã truyền cảm hứng hoặc trao quyền cho rất nhiều phụ nữ.

Nhưng hành trình của Londonderry là hình ảnh thu nhỏ hoàn hảo cho sự hợp lưu của phong trào phụ nữ và cơn sốt xe đạp. Do đó, đây là một chương nhỏ nhưng mới mẻ trong các câu chuyện về phụ nữ ở thời kỳ chuyển giao thế kỷ".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất