Người phụ nữ rơi lệ mỗi khi ăn

18 năm qua, Patricia Webster không ngừng “chiến đấu” với chứng bệnh thoái hóa thần kinh có tên Hội chứng Guillain-Barre, khiến bà bị liệt một phần cơ thể, có lúc phải nằm viện suốt 3 tháng trời, cơ mặt liên tục co giật cùng nhiều triệu chứng khác.

Tuy nhiên, điều khó chịu nhất mà người phụ nữ 58 tuổi hiện sống ở Anh phải chịu đựng suốt nhiều năm qua chính là mỗi khi bà ăn hoặc uống, nước mắt đều tuôn chảy.

“Suốt 18 năm nay, tôi chẳng làm được gì và nguyên nhân chính là cặp mắt hay “mít ướt” của tôi. Tôi chán ngấy mỗi khi có người bước tới hỏi, “Có chuyện gì vậy?”, Webster kể nỗi khổ của mình. Các bác sĩ điều trị cho người mẹ 3 con này cũng “bó tay” trước chứng bệnh kỳ lạ còn được gọi là “nước mắt cá sấu” này. Trước đây, một bác sĩ nhãn khoa cho rằng giải pháp duy nhất cho chứng bệnh của Webster là đại phẫu cặp mắt. Áp dụng liệu pháp này, thời gian hồi phục sẽ rất lâu và để lại sẹo. Và điều quan trọng là hiệu quả được cho là “năm ăn, năm thua”.

Gần đây, một bác sĩ khác đề xuất một phương pháp mới – tiêm Botox, thuốc xóa nếp nhăn dùng trong giải phẫu thẩm mỹ, trực tiếp vào tuyến lệ. Theo Webster, bác sĩ khuyên bà xài Botox không phải vì “ông ấy lo lắng cho cặp mắt của tôi mà là bởi “cửa sổ tâm hồn” của tôi xuất hiện vết chân chim”. Mặc dù biết Botox chẳng ăn nhập gì với chứng bệnh của mình, nhưng vì muốn duy trì nét thanh xuân nên Webster đã chấp nhận tiêm Botox. Và trên cả tuyệt vời, “liệu pháp” này tỏ ra hiệu quả tức thì. “Tôi không thể tin vào mắt mình”, Webster vui mừng khi được chữa khỏi chứng bệnh làm bà khổ sở.

Thật ra do Botox (botulinum toxin) được xài thường trong lĩnh vực làm đẹp nên nhiều người quên đi ứng dụng căn bản của dược phẩm này, đó là dùng cho những chứng bệnh thoái hóa cơ và thần kinh như Hội chứng Guillain-Barre mà Webster mắc phải. Bản thân Botox là hoạt chất gây liệt cơ thần kinh rất mạnh. Tiêm thuốc vào cơ sẽ chặn đứng hiệu quả các tín hiệu truyền dẫn thần kinh làm cơ co giật. Đối với một số người, Botox có thể trị chứng cơ co cứng hoặc thậm chí nhức đầu do căng thẳng. Còn với Webster, Botox – dược phẩm mà Cục Quản lý Dược & Thực phẩm (FDA) của Mỹ khuyến cáo có thể gây đột tử và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác – giúp bà “chia tay” những giọt lệ không mong muốn.

Để bệnh không tái phát, hiện nay, cứ 3 đến 5 tháng, Webster phải đến bệnh viện tiêm Botox. Và bác sĩ điều trị cũng khuyến cáo liệu pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu dùng thường xuyên, chẳng hạn như để lại sẹo ở mắt.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất