Người thành phố có gen kháng bệnh tốt hơn
Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích mẫu DNA của 17 nhóm người sống ở các khu vực khác nhau trên thế giới, bao gồm: Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Kết quả phân tích này được kiểm tra chéo với các dữ liệu lịch sử và khảo cổ về cuộc sống trong những ngày đầu tiên của thành phố hay các khu vực đô thị này.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các biến thể gen có khả năng kháng lại những loại bệnh dịch như lao, phong, tả gần như được tìm thấy ở tất cả những người sinh sống trong các thành phố có hàng ngàn năm tuổi từ Trung Đông, Ấn Độ cho đến Châu Âu. Tuy nhiên, các loại gen này lại ít gặp hơn ở những người cư trú tại các vùng có quá trình đô thị hóa muộn hơn, ví như Châu Phi.
BBC dẫn lời tiến sĩ Ian Barnes, một trong những nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu: “Đây là một ví dụ điển hình của sự tiến hóa. Sự phát triển của thành phố và cuộc sống ở đó giống như một áp lực khiến loài người chúng ta phải chọn lọc gen và phát triển. Đồng thời, nó cũng giúp giải thích sự khác biệt trong khả năng kháng bệnh của con người trên toàn thế giới”.
Giáo sư Brian Spratt, chủ nhiệm khoa sinh học phân tử Đại học Hoàng Gia London nói: “Như vậy, các loại gen có khả năng tăng cường chức năng kháng bệnh của con người sẽ xuất hiện nhiều hơn ở những khu vực đã xảy ra các căn bệnh chết người (lao, tả, phong…) hơn so với những nơi mà loại bệnh dịch này chưa bao giờ xuất hiện”.
Điều này đồng nghĩa với việc cư dân thành phố, những người thường xuyên phải đối mặt với các dịch bệnh nguy hiểm này sẽ có khả năng kháng bệnh cao hơn so với những người sống cuộc sống du mục.
Các thành phố, thị xã vốn là nơi tập trung dân cư đông đúc với môi trường sống còn nhiều điểm bất cập. Các dịch bệnh cũng thường xuyên phát triển, lây lan nhanh buộc con người phải tự tăng cường sức đề kháng của mình. Nhiều thế kỉ trôi qua, các gen kháng bệnh sẽ được hình thành, truyền lại cho đời sau và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.