Người tiền sử cũng ưa thời trang
Ai bảo người tiền sử ăn lông ở lỗ không có khiếu thẩm mỹ? Phát hiện mới nhất cho thấy người Neanderthal từng dùng lông chim làm phụ kiện thời trang.
>> Con người biết mặc quần áo từ khi nào?
Trong lúc nghiên cứu di hài của người Neanderthal tại hang Fumane gần Verona (Ý), nhà nhân chủng học cổ đại Marco Peresani của Đại học Ferrara và đồng sự đã phát hiện khoảng 660 xương chim, có niên đại cách đây 44.000 năm. Những xương này thuộc về 22 loài chim, trong đó xương cánh có dấu vết bị cắt hết lông. “Những dấu vết cắt, lột và nạo hiện diện đầy trên cánh, cho thấy có người muốn lấy những chiếc lông lớn cho một mục đích nào đó”, theo bài viết trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).
Các loài chim được phát hiện trong hang gồm kền kền râu, chim ưng chân đỏ, kền kền đen Âu - Á, đại bàng vàng, bồ câu, quạ chân đỏ... Bộ lông của những loài chim này có đủ loại màu, từ đen, xám, xám đen đến xám pha cam. Chuyên gia Peresani cho hay, những người Neanderthal tại hang Fumane đã lấy lông cánh để phục vụ cho chuyện làm đẹp, vì lông cánh dài nhất và đẹp nhất.
Trước đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Bristol (Anh) đã phát hiện người Neanderthal - sống cách đây 100.000 năm và tuyệt chủng vào 30.000 năm trước - dùng vỏ sò màu sáng để làm đồ trang sức. Một số vỏ sò còn chứa những hỗn hợp bột màu vàng, đỏ, đen - các chất mà người cổ đại tại Ai Cập dùng để làm mỹ phẩm. Điều này cho thấy,người Neanderthal lúc đó cũng biết trang điểm.
Các phát hiện trên góp phần giúp giới khoa học xác định, liệu người Neanderthal là người cục súc, mọi rợ, hay đã phát triển phức tạp như người Homo sapiens, tổ tiên của con người ngày nay?