Người tiền sử hạnh phúc khi bị đồng loại ăn thịt?

Sau khi khai quật được hơn 500 thi hài nghi ngờ là nạn nhân của tục ăn thịt người tại Herxheim (Đức), các nhà khoa học đã đi đến những khám phá gây giật mình về tục ăn thịt người tại châu Âu thời kỳ đồ đá.

Theo giả thuyết của các nhà khoa học, tục lệ ăn thịt đồng loại diễn ra trên quy mô lớn khoảng 7.000 năm trước. Và việc ăn thịt đồng loại trở thành một nghi lễ mà những nạn nhân cảm thấy hạnh phúc vì mình bị ăn thịt.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nghi lễ sẽ diễn ra với một nhóm gần 10 nạn nhân, bị trói tay, chân và buộc gọn tóc lên để hở cổ. Các nạn nhân có cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em và phụ nữ mang thai.

Thông thường, các nạn nhân sẽ phải quỳ thành hàng đứng trước miệng một hố rộng. Các chiến binh với những hình xăm trang trí sẽ đứng đằng sau và sử dụng chùy hoặc rìu đá để đưa nạn nhân sang thế giới bên kia. Ngay sau đó, những người phụ nữ trong bộ tộc sẽ thao tác trên người nạn nhân theo cách như làm thịt động vật.

Các nhà khoa học đưa ra các khám phá trên sau khi khai quật được hơn 500 thi hài tại Herxheim, Đức. Tất cả các thi hài này đều bị lột da, róc thịt, đập gẫy xưng để hút tủy giống với các làm thịt động vật. Hộp sọ thường bị cắt ngang chỏm. Các xương sườn bị đập gẫy, có thể là để moi tim...

Các nhà khoa học đi đến giả thuyết rằng, những tục lệ trên có thể là do nạn đói lan tràn vào thời kỳ đồ đá, như từng diễn ra trong lịch sử. Trong cuộc bao vây Leningrad, Thế chiến thứ 2, các nạn nhân của nạn đói đã ăn cả chim, chó và chuột.

Tuy nhiên, 7.000 năm trước, châu Âu nằm trong thời kỳ khí hậu Holocene tối ưu, ổn định và hoàn hảo để duy trì cuộc sống cho con người nên nạn đói không thể xảy ra. Do đó, các nhà khoa học nghĩ đến một hướng khác. Có thể tục ăn thịt người đã trở thành một nghi lễ tôn giáo mà việc hy sinh cho đồng loại là một vinh dự.

Các nhà khoa học đã căn cứ vào những nghiên cứu về nghi lễ của các bộ lạc được viết trong các nghiên cứu của Sir James Frazer cuối thế kỉ 19, đầu thế kỷ 20. Trong đó, Frazer đề cập đến nhiều trường hợp các bộ lạc ăn thịt những kẻ thù hy sinh trong khi giao tranh, đặc biệt là những kẻ thù dũng cảm và mạnh mẽ.

Người Basuto ở Nam Phi thường ăn gan của kẻ thù để tăng lòng dũng cảm, ăn tai để thông minh và ăn tinh hoàn để lấy sức mạnh. Phần còn lại thường được thiêu, tro sẽ dùng trong những nghi lễ tôn giáo.

Trong cuộc chiến tranh giữa đế quốc Anh và các bộ lạc châu Phi cuối thế kỷ 19, việc ăn thịt người cũng xảy ra. Năm 1824, chỉ huy trưởng quân đội viễn chinh Anh, tướng Charles McCarthy đã hy sinh trong khi chống lại bộ lạc Ashanti và tù trưởng bộ lạc đã ăn tim của ông.

Tuy nhiên, người Ashanti ăn thịt tướng McCarthy không phải vì muốn hạ nhục ông mà là tôn vinh lòng can đảm đáng ngưỡng mộ của ông. Xương của ông được lưu giữ lâu dài trong các đền thờ Ashanti với sự tôn kính lớn nhất giống như việc giữ xương trong các nhà thờ thời Trung Cổ. Sọ của McCarthy được bọc vàng và dùng làm cốc trong các nghi lễ của nhiều đời vua.

Một ví dụ khác là về nghi lễ đá bóng của người Maya mà di tích còn lại đến ngày nay vẫn tọa lạc tại Honduras và Guatemala. Hai đội đá với nhau và đội chiến thắng sẽ đi đến bệ thờ và hy sinh.

Đối với những chiến binh Maya cổ, được chết trong nghi lễ hiến tế là một vinh dự lớn lao. Chỉ những chiến binh mạnh mẽ nhất, dẻo dai nhất được hy sinh và đi đến cõi hạnh phúc vĩnh viễn theo tôn giáo Maya.

Đối chiếu với những tục lệ trên khắp thế giới, các nhà khoa học đi đến giả thuyết rằng, những nạn nhân của tục ăn thịt người 7.000 năm trước tại Herxheim đã cảm thấy vinh dự khi được hy sinh. Và những hài cốt ở Herxheim có lẽ đã ra đi với niềm tôn kính lớn lao từ những thành viên của bộ lạc.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất