Nguồn gốc của triết học
Nói đến nguồn gốc của triết học có nghĩa là nói đến những nguồn nào đã thúc đẩy, đã làm cho người tacó những động cơ, những nhu cầu đề suy tư triết lý, tiến xa hơn là nêu ra, xây dựng những lý thuyết triết học. Có nhiều nguồn thúc đẩy, đưa con người đến với những suy tư mang tính triết lý, rồi được tổng hợp, nâng cao thành những cách lý giải sự vật , những niềm tin trên cơ sở những nhận thức đã đựợc xác lập, đó là triết học. Nói thật giản lược triết học nghĩa là nỗ lực tư duy của con người để nhận thức, lý giải thế giới tự nhiên, con người và xã hội, khởi thuỷ từ ba nguồn chính đó là: sự ngạc nhiên; sự hoài nghi; và sự thất bại của con người trong những nỗ lực này.
Aristote nói: "Chính sự ngạc nhiên thôi thúc người ta triết lý". Thoạt tiên con người bỡ ngỡ trước những hiện tượng họ bắt gặp và cảm thấy kì lạ trong vũ trụ, trong đời sông...Đị xa hơn nữa họ đặt những câu hỏi về những hiện tượng đó rồi cố gắng tìm kiếm câu trả lời, những giải thích cho sự việc, những hiện tượng, những điều làm cho họ ngạc nhiên ấy. Đó chính là những nguồn gốc để con người suy tư triết lý, để làm triết học.
Như vậy có được sự ngạc nhiên ở trong ta là đã biết được nhưng điều ta còn chưa hiểu biết. Nếu đã biết được, hiểu được điều đó hoặc cảm thấy như vậy thì không còn ngạc nhiên nữa. Tuy nhiên không cảm thấy ngạc nhiên về 1 điều gì đó không nhất thiết là đã hiểu nó, càng không có nghĩa là thông thái. Có những người trong đời chẳng bao giờ bận tâm, nhạc nhiên về bất cứ điều gì, do cách sông vô lo, không thích tìm hiểu và cũng có thể do lười suy nghĩ. Cho nên thái độ tâm trạng luôn luôn bị ngạc nhiên thường thấy ở những người ham hiểu biết, thích khám phá, thích tìm tòi. Đó chính là những dấu hiệu đầu tiên của nhưng người yêu triết lý, thích triết học nói riêng và những nguời thích tìm hiểu khoa học nói chung.
Sự hoài nghi cũng là một nguồn thúc đẩy nhiều người đi tìm chân lý, suy tư triết lý. Thường thì con người trong qúa trình sống mỗi ngày lại hiểu biết thêm nhiều điều hơn. Những người có cuộc đời từng trải hiểu biết nhiều điều hơn so với những người ít từng trải. Trường đời luôn dạy cho họ hiểu biết thêm nhiều điều. Cũng như vậy, những người ít học sẽ hiểu biết ít hơn những người học hành nhiều. Nhưng nhiều khi càng từng trải nhiều, càng được học nhiều lại làm cho con người ta tăng thêm những nỗi hoài nghi, bởi lẽ những người này thường tự nhìn lại, suy xét lại: càng từng trải nhiều, càng học hành nhiều càng thấy nhiều điều trước đây mình hằng tin tưởng, cho là chân lý thì nay thấy có mặt này mặt khác phải nhìn nhận lại hoặc thậm chí có những điều sai, hoặc đáng hoài nghi thậm chí phải phủ nhận.
Thật vậy trong cuộc đời, chúng ta thấy có nhiều điều ta biết, ta hiểu, ta tin trước kia đã thực sự chẳng còn có gì đáng tin cậy, chẳng có gì là chắc chắn khi chúng ta có thêm những hiểu biết mới, những kiến thức mới. Ngay cả những tri giác những cảm giác của chúng ta được sự của những giác quan, những sự kiểm duyệt của lý trí, nhiều khi ta cũng lừa dối ta. Cho nên tâm lý hoài nghi, tư tưởng hoài nghi thường thấy ỏ những người hiểu biết rộng nhưng thích suy xét và tìm hiểu.
Do vậy hoài nghi cũng là một ngưồn tư duy thúc đẩy ta tìm kiếm những kiến thức, những hiểu biết mới, đi dần tới chân lý đích thực . Muốn triết lý ta phải hoài nghĩ trên cơ sở hiểu biết ngày càng sâu rộng, cũng có nghĩa là hoài nghi đến cùng.Nếu không biết hoài nghi như vậy, tư tưởng ta, suy tư của ta, hiểu biết của ta sẽ đứng yên tại chỗ. Điều này sẽ dần đi tới tâm lý thỏa mãn, nguyên nhân quan trọng của tính bảo thủ hoặc những ngu dốt mới.
Descartes chính là nhà triết học lấy nhận thức và lý trí hoài nghi sự vật để tìm hiểu sự vật, từ đó coi tu duy là tất cả giá trị của con người. Nỗ lực này dẫn dắt Descartes tới triết lý: "Tôi tư duy tức là tôi tồn tại".
Trên nền móng ấy Descartes đã xây dựng lên một tòa nhà triết học đồ sộ, xúng đáng đóng vai trò của "Người cha triết học" cho nhiều trào lưu, nhiều triết gia lỗi lạc sau này.
E.Kant, một triết gia lớn của mọi thời đại, nhà triết học được mệnh danh đã làm một cuộc cách mạng lớn trong lịch sử triết học phương Tây, trong bộ ba tác phẩm phê bình vĩ đại của mình: "Phê phán lý trí thuần túy" , "Phê phán lý trí thực hành" , "Phê phán khả năng phán đoán", đã vận dụng và sáng tạo một phương thức tư duy nâng lên mức độ phê phán những chân lý cũ triết gia trước đó ở những vấn đề mà ông quan tâm, đã mang lại những kiến giải mới về nhận thức thế giới và sự vật. Bộ 3 tác phẩm phê bình vĩ đại ấy là giường cột của triết học Kant.
Ở giai đoạn sau này của lịch sử triết học phương tây giai đoạn triết học phương tây hiện đại, người ta thấy E.Husserl , nhà triết học hiện tượng luận phénomenisme, một khuôn mặt lớn cảu triết học phương Tây hiện đại mà triết học của ông đã có ảnh hưởng lớn đến nhiều học thuyết, trào lưu triết học đương thời, đặ biệt là chủ nghĩa hiện sinh (Existentialisme), cũng đã học tập phương pháp hoài nghi của Descartes để xây dựng học thuyết triết học của mình. Husserl gọi phương pháp hoài nghi này của mình là: "kỹ thuật đặt thế giới trong ngoặc". Có nghĩa rằng ông sẽ cho vào trong ngoặc tất cả nhưng cách hiểu cảu các vấn đề triết học mà ông quan tâm của các nhà triết học trước ông - nói một cách hình tượng hơn là vì có tư tưởng hoài nghi và không muốn bị ảnh hưởng, bị chi phối, nên Husserl muốn đóng gói tất cả các học thuyết đi trước ông thành một bọc để ông thảnh thơi hơn, tự do hơn trong khi xây dựng những lý thuyết của mình.
Nói tóm lại có thái độ, có tư tưởng hoài nghi với tất cả những gì đã được gọi là đúng đắn, chắc chắn, là chân lý cũng là một nguồn quan trọng cho những triết gia nói riêng và những người làm khoa học nói chung. Tất cả cho thấy: khoa học và đời sông đều cần tới đầu óc phê phán.
Epitete một triết gia của trường phái khắc ký (Stoicisme) đã nói rằng: "Nguồn triết lý là nhờ khi ta rơi vào hoàn cảnh bất lực và sự thất bại". Mỗi kho con người trong cuộc sống bị đẩy vào chân tường, gặp phải những sự thất bại, những người có lý trí có nghị lực, có nhiều nỗi đam mê, luôn luôn muốn tìm ra nhưng cách thức, những lý lẽ để thoát ra hoàn cảnh đó, khỏi những đường hầm bi đát, đen tối ấy. Nói cách khác họ sẽ tòm mọi cách để thấu hiểu, lý giải sự bể tắc, những thất bại trong cuộc đời, trong công việc để tìm ra những cách thức, những con đường, những sáng kiến cho lối thoát . Tương lai của con người thực ra tùy thuộc đáng kể vào thái độ của họ đối với những thất bại mà họ gặp phải trong cuộc đời. "Thất bại là mẹ thành công" như nhiều người trong cuộc sống đã nói như vậy. Sự thất bại trong cuộc đời làm cho con người đau đớn dằn vặt, khiến con người phải trăn trở, suy tư, tìm hiểu.... Nhờ đó con người có khả năng thấy được hoặc khám ra những điều sây xa, sống động, tạo dựng những triết lý nhiều khi sâu sắc và thâm thúy.
Giả định rằng cuộc đời lúc nào cũng vui vẻ, hớn hở, lúc nào cũng tràn đầy sung sướng, tràn đầy hạnh phúc, thì chưa chắc đã nói lên được, đã viết lên được những triết lý trác tuyệt. Hơn nữa, ngẫm nghĩ đến cùng, cuộc đời không bao giờ có một chiều như vậy, mà càng không bao giờ có một cuộc đời hoàn hảo.