Nguồn gốc nàng tiên cá dưới góc nhìn khoa học

Các nhà khoa học cho rằng nàng tiên cá chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người khi nhìn thấy lợn biển hay cá nược từ khoảng cách xa.

Trong nhiều thế kỷ, con người đã lưu truyền những câu chuyện ly kỳ về người cá, những sinh vật nửa người, nửa cá bí ẩn trên biển, theo Livescience.


Truyền thuyết về nàng tiên cá rất phổ biến trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. (Ảnh: Livescience)

Truyện cổ tích "Nghìn lẻ một đêm" mô tả người cá có "mặt tròn, tóc dài nhưng tay chân nằm trên bụng và đuôi như cá". Người Babylon khắc họa thần cá Era hay Oannes có râu, đội vương miện, mình người nhưng từ thắt lưng trở xuống là đuôi cá. Nhiều thế hệ trẻ em trên thế giới không xa lạ gì với nàng tiên cá trong truyện cổ Andersen.

Theo các nhà khoa học, "nàng tiên cá" hay "người cá" trong truyền thuyết nhiều khả năng là kết quả của hiện tượng ảo giác mà con người thường gặp phải trên mặt biển mênh mông.

Những người đi biển nhiều khả năng đã quan sát các loài động vật biển có kích thước tương đương với con người như lợn biển và cá nược, một loài cá heo ở Đông Nam Á. Hai loài động vật này có phần đuôi rất giống đuôi của "nàng tiên cá", trong khi hai chân chèo phía trước dễ làm người ta liên tưởng đến cánh tay.

Các nhà nghiên cứu về truyền thuyết người cá cho rằng khi quan sát lợn biển hay cá nược ở khoảng cách xa, trong sương mù hoặc dưới ánh trăng, người đi biển có thể hiểu nhầm đó là người cá, khiến câu chuyện về sinh vật này trở nên phổ biến.

Thời trung cổ, người cá được mô tả xuất hiện cùng các sinh vật biển như cá voi. Điều này càng củng cố giả thuyết của các nhà khoa học rằng người cá chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của chúng ta khi quan sát các sinh vật biển có kích thước và hình dáng tương tự con người.


Lợn biển có thể là sinh vật khiến nhiều người lầm tưởng về nàng tiên cá. (Ảnh: Universe).

Đến nay chưa có bất cứ ai cung cấp được bằng chứng thuyết phục về sự xuất hiện của người cá. Người dân thị trấn Kiryat Yam ở Israel năm 2009 từng lan truyền tin đồn về sự xuất hiện của một "nàng tiên cá" trên bãi biển, với chiếc đuôi rất rõ ràng. Hội đồng du lịch thị trấn đã treo giải thưởng 1 triệu USD cho người đầu tiên chụp được ảnh của "nàng tiên cá", nhưng chưa có ai giành được món tiền này.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (Mỹ) năm 2010 cũng phải ra thông báo bác bỏ sự tồn tại của người cá, sau khi bộ phim tài liệu "Phát hiện xác nàng tiên cá" được phát trên kênh Animal Planet, khơi dậy sự quan tâm về người cá của công chúng.

Bằng chứng được coi là thuyết phục nhất về người cá là bộ hài cốt của một "nàng tiên cá" bị dạt vào bờ biển năm 1222 và đang được lưu giữ tại ngôi đền ở Kukuoka, Nhật Bản.

Bộ hài cốt được ngâm trong nước biển gần 800 năm qua, đến nay chỉ còn một ít xương sót lại. Các nhà khoa học cũng không được phép tiếp cận hài cốt để kiểm chứng, nên nguồn gốc thực sự của bộ xương này vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất