Nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5
Cách đây đúng 58 năm, vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam toàn quốc lần thứ Nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam).
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang này cho giới trí thức KH&CN Việt Nam. Người khẳng định:
"Chúng ta đều biết rằng trình độ KH&KT của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó…
…Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...
…Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết KH&KT của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ…".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963.
Lời căn dặn ngắn gọn, súc tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua gần 6 thập kỷ nhưng vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn của Người đối với định hướng phát triển lâu dài của nền KH&CN nước nhà.
Thấm nhuần lời dạy của vị lãnh tụ vĩ đại, tới tháng 6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã quyết định thông qua Luật KH&CN và thống nhất chọn 18/5 hàng năm là "Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam" (quy định tại Điều 7, Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2013 - Luật số 29/2013/QH13).
Mục đích của việc chọn đúng ngày này là để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp KH&CN, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.
Theo đó, ngày KH&CN Việt Nam đã, đang và sẽ là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Không những vậy, đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày 18/5/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh tặng hoa, bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có những kết quả nghiên cứu xuất sắc trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cũng từ cột mốc lịch sử ấy, ngày 18/5 hàng năm trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng không chỉ với ngành KH&CN, mà còn với tất cả những ai đam mê khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp.
KH&CN từ đó không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển.
Trong suốt nhiều thập kỷ, nhờ học tập và lĩnh hội tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có mặt trong mọi ngành khoa học, mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên khắp mọi miền đất nước và hội nhập với những nền KH&CN tiên tiến trên thế giới.
Kéo dài truyền thống quý báu, nhiều thành tựu KH&CN ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.
- Lộ diện quái vật chưa từng thấy, có họ với khủng long, rắn, rồng
- Thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng thực ra không phải để chống trộm
- Dave Evans Bicentennial - Cái cây đáng sợ nhất Australia