Nguyên nhân gây ra lũ cát đỏ ở Bình Thuận

Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn cùng với hạ tầng đô thị cản trở mạch nước ngầm là hai nguyên nhân chính xảy ra lũ cát đỏ ở Bình Thuận, theo chuyên gia.

Rạng sáng 21/5, sau trận mưa lớn, lũ cát đỏ ập xuống tuyến đường ven biển 706 nối Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết) nơi có nhiều nhà dân, khu du lịch. Lũ cát không gây thiệt hại về người song khiến nhiều xe máy, ôtô, nhà dân bị vùi lấp.


Lũ cát đỏ vùi lấp đồ dùng tại khu vực gần nhà hàng TP Phan Thiết, Bình Thuận. (Ảnh: Việt Quốc).

Kết quả đo lượng mưa ghi nhận trong trong đêm xảy ra lũ cát đỏ đạt ngưỡng gần 200 mm trong 3 giờ. Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu, lượng mưa như vậy là rất lớn, trong thời gian ngắn với tính chất cực đoan. Nước mưa thấm xuống đất không kịp khiến chảy trôi tạo thành lũ cát.

Theo ông Huy, đặc tính của cát có khả năng thấm nước nhanh hơn các loại đất khác. Thông thường trên các đồi cát có đường chảy ngầm ra biển. Đường chảy này giúp cho kết cấu của cát được vững.

Tuy nhiên hiện trường sạt lở lũ cát đỏ cho thấy trên các khu rừng ven biển có các công trình nhà ở xây trên nền cát, các khu du lịch gần bờ biển. Phần móng các công trình này có thể làm chặn các dòng nước ngầm từ đồi cát đi ra biển. Điều này khiến cát bên trong thấm đủ lượng không thể chảy ra biển sẽ tạo ra lũ cát.

Ông Huy cho rằng sự việc ngoài yếu tố tự nhiên do lượng mưa cực đoan, nhà chức trách cũng cần quan tâm đến quy hoạch phát triển xây dựng. Các chân cát luôn có mạch nước ngầm kết nối đồi cát với biển. Nếu chặn mạch nước ngầm sẽ tạo ra lũ bùn cát từ trên đồi hay sạt lở các bờ biển nơi có sóng đánh vào. Vì thế cần để các mạch nước vận hành tự do phòng tránh các trận lũ cát.


Vị trí khu vực bị lũ cát tràn xuống vùi lấp. (Đồ họa: Khánh Hoàng).

Đồng tình, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiệp, Hội nước và môi trường TP HCM giải thích, khi mưa lớn đổ xuống, cát từ tính chất khô chuyển sang trạng thái nhão. Áp lực nước đủ mạnh kết hợp với độ dốc quả đồi tạo ra dòng chảy trượt xuống tạo thành lũ cát.

Ông Thiệp cũng nhìn nhận các công trình hạ tầng xung quanh đồi tác được coi như bức tường chắn mạch nước chảy. Dù các hệ thống này có làm các lỗ thông nước, nhưng với lượng mưa lớn cát thấm nhiều nước sẽ chảy không kịp. Vì thế trong các quy hoạch phát triển, cần tính tới các đặc tính tự nhiên của từng vùng, hạn chế tối đa can thiệp của con người để giảm thiểu thiên tai.


Khu vực đồi xảy ra sạt lở tạo thành lũ cát với nhiều công trình và đường giao thông. (Ảnh: Nguyên Tư).

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, rất khó để dự báo lũ cát từ xa đối với từng vị trí cụ thể. Căn cứ vào yếu tố về thời tiết, địa chất, chỉ có thể dự báo gần trong khoảng 3 - 4 giờ trước khi xảy ra.

Ông Huy cho rằng người dân cần đề phòng khi sống dưới các đồi cát bị cắt ngang bởi các công trình hạ tầng, giao thông. "Lũ cát có đặc tính xảy ra phạm vi hẹp, tốc độ chậm hơn so với lũ ống, lũ quét. Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác, ưu tiên sơ tán con người khi lũ xảy ra", TS Huy nói.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiệp cũng đề xuất trên các quả đồi cát cần được trồng cây để bộ rễ của chúng bám giữ đất, hạn chế cát bị trượt tạo thành lũ, tràn xuống nhà dân. "Đây không phải là biện pháp chính ngăn lũ cát, nhưng sẽ hạn chế một phần", ông nói.

Theo người dân địa phương, sự cố cát đỏ tràn xuống thường diễn ra ở biển Mũi Né và TP Phan Thiết mỗi khi mưa to. Lần gần đây nhất đầu tháng 10/2023, nước lũ làm cát đỏ trên đồi tràn xuống khu dân cư và đường ven biển xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, gây ách tắc giao thông kéo dài hơn 500m.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất