Nguyên nhân gây u cục sau tai? Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Việc xuất hiện các u cục sau tai có thể cảnh báo các vấn đề về sức khoẻ. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều không nghiêm trọng.
Những nguyên nhân phổ biến có thể dẫn tới các u cục sau tai
U cục sau tai có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào sau tai và có thể cứng hoặc mềm, gây đau hoặc không, có kích thước từ nhỏ đến trung bình. Việc xuất hiện các u cục này có thể gây hoang mang cho người bệnh, nhưng thật may là hầu hết các tình trạng u cục sau tai đều lành tính và không nghiêm trọng. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến có thể dẫn tới các u cục sau tai:
1. Nhiễm trùng
U cục sau tai có thể xảy ra do nhiễm trùng. Khi này hạch bạch huyết sau tai có thể sưng tấy để chống lại sự nhiễm trùng và bảo vệ cơ thể. Một số bệnh nhiễm trùng phổ biến gây u cục sau tai bao gồm viêm họng do liên cầu khuẩn và bạch cầu đơn nhân.
Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng khác cũng có thể gây sưng hạch bạch huyết sau tai, chẳng hạn như:
- Áp xe răng
- Bệnh về nướu
- Cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Bệnh Lyme (một căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn do bọ ve mang theo)
- Herpes miệng (nhiễm virus herpes simplex)
- Viêm amidan (viêm amidan ở phía sau cổ họng)
- Rubella
Tùy vào nguyên nhân gây nhiễm trùng sẽ có những cách điều trị khác nhau, chẳng hạn viêm họng do liên cầu khuẩn thì cần điều trị bằng kháng sinh.
U cục sau tai có thể do nhiễm trùng. (Ảnh: Internet).
2. Mụn
U cục sau tai đôi khi đơn giản chỉ là mụn. Mụn có thể là mụn trứng cá hoặc các loại mụn nhọt khác.
Mụn trứng cá là tình trạng da phổ biến và thường xảy ra là do thay đổi nội tiết tố, vệ sinh da không sạch sẽ. Mụn có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể nhưng vùng mặt là nơi thường gặp nhất, bao gồm cả sau tai.
Đối với một số loại mụn nhọt khác, khi bị nhiễm trùng hoặc một số vi khuẩn xâm nhập vào mụn gây ra tình trạng nghiêm trọng có thể tạo thành các cục gọi là u nang mụn và có thể xuất hiện bất cứ ở đâu, bao gồm cả sau tai.
Để điều trị mụn, mọi người cần vệ sinh da sạch sẽ, dưỡng da phù hợp, có thể sử dụng kem trị mụn. Đặc biệt, không gãi hoặc chạm vào mụn để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
U cục sau tai đơn giản có thể là do mụn trứng cá. (Ảnh: Internet)
3. U nang
U nang là một khối chất lỏng, là tình trạng lành tính chứ không phải ung thư, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da, kể cả sau tai. U nang được tạo thành từ các tế bào da chết và dầu. Khi chạm vào u nang sẽ có cảm giác mềm và thường tự biến mất. U nang thường không đau trừ khi chúng bị nhiễm trùng.
Các khối u nang xuất hiện sau tai thường là u nang bã nhờn. Tình trạng này xảy ra khi tuyến bã nhờn bị tắc, điều này khiến vết sưng phát triển chậm dưới da. U nang bã nhờn thường mềm và dễ di chuyển khi chạm vào. Thông thường, nó không đau, nhưng bạn có thể nhận thấy mùi hôi. Những u nang nhỏ hơn thường tự biến mất, nhưng bác sĩ có thể cần phải dẫn lưu hoặc loại bỏ các u nang lớn hơn, sưng tấy hoặc gây đau đớn.
U nang bã nhờn sau tai là tình trạng lành tính. (Ảnh: Internet).
4. U mỡ
U mỡ là một nguyên nhân khác gây u cục sau tai. U mỡ là những khối mỡ lành tính có thể phát triển ở bất cứ nơi nào có tế bào mỡ, thường xuất hiện ở cổ, vai, lưng, bụng, cánh tay và đùi nhưng cũng có thể xuất hiện cả sau tai.
U mỡ mềm và nhão khi chạm vào, có thể di chuyển dễ dàng. U mỡ thường có đường kính dưới 5 cm, nhưng chúng có thể phát triển to hơn. U mỡ có thể gây đau nếu chúng phát triển và đè lên các dây thần kinh gần đó hoặc nếu cục u chứa nhiều mạch máu.
U mỡ là tình trạng vô hại và không cần điều trị, nhưng loại u này có thể gây khó chịu. Do đó, bạn có thể đến bệnh viện để loại bỏ u cục nếu chúng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
U mỡ sau tai, khi chạm vào mềm và nhão. (Ảnh: Internet).
5. Viêm xương chũm
Viêm xương chũm là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến xương chũm. Chũm là một phần của xương sọ phía sau tai.
Viêm xương chũm phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Đây là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế. Chỗ sưng sau tai thường mềm và có thể khiến tai bị đẩy ra ngoài.
Các triệu chứng khác của bệnh viêm xương chũm có thể đi kèm với khối u, bao gồm:
- Chảy dịch tai
- Có thể bị mất thính lực
- Sốt
- Mệt mỏi
- Đau đầu
Một người có nhiều khả năng bị viêm xương chũm nếu họ bị nhiễm trùng tai nặng hoặc nhiễm trùng tai thường xuyên.
Để điều trị viêm xương chũm thì cần đến bệnh viện. Bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật để dẫn lưu, loại bỏ nhiễm trùng.
U cục sau tai do viêm xương chũm thường xảy ra ở trẻ em. (Ảnh: Internet).
6. Ung thư
Mặc dù không phổ biến nhưng một khối u phía sau tai có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Điều này bao gồm ung thư tuyến nước bọt.
Các khối u do ung thư thường có đặc điểm:
- Cố định tại chỗ và khó có thể di chuyển
- Hình dạng của khối u không đều
- Cảm thấy chắc chắn
Đau và khó chịu không nhất thiết là dấu hiệu của khối u ung thư. Một số khối u vô hại có thể gây đau, trong khi một số khối u ác tính không gây đau đớn.
Khi nào cần đến bác sĩ?
Mặc dù hầu hết các u cục sau tai là lành tính nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không gặp tình trạng nghiêm trọng. Do đó, khi thấy xuất hiện các u cục sau tai, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Đặc biệt, khi u cục có dấu hiệu sau thì bạn nên đến bệnh viện sớm:
- Gây đau đớn, sưng tấy và đỏ.
- Không thể di duyển và cố định một chỗ.
- Xuất hiện một cách đột ngột.
- Lớn hơn hoặc không giảm kích thước sau vài tuần.
- Xuất hiện các triệu chứng như sốt , đổ mồ hôi ban đêm hoặc sụt cân mà không rõ nguyên nhân.
Nổi hạch ở cổ bên phải cảnh báo bệnh gì, có nguy hiểm không?
Nổi hạch ở cổ bên trái cảnh báo mắc bệnh gì?
Nổi hạch nách là dấu hiệu bệnh gì?