Nguyên tố có độ phóng xạ cao trong vỏ Trái đất chưa từng thu được

Lượng francium tồn tại trong vỏ Trái Đất chưa đến 28 g ở bất kỳ thời điểm nào và chưa ai từng thu được số lượng có thể cân đong được, theo IFL Science.

Nằm ở cuối bảng tuần hoàn và là nguyên tố có độ phóng xạ mạnh nhất trong bảng tuần hoàn, francium cực độc hại đối với bất cứ ai đến gần nó. Độ phóng xạ của nó lên tới 45.000 curi/mg.


Francium có số nguyên tử là 87 trên bảng tuần hoàn. (Ảnh: Intothelight Photography).

Trên thực tế, giới nghiên cứu chưa bao giờ có thể quan sát francium. Không có ứng dụng nào đã biết và dường như không thực hiện bất kỳ chức năng sinh học nào. Nó hiếm hoi và tồn tại chóng vánh đến mức giới khoa học muốn nghiên cứu nguyên tố phải tự tạo francium bằng cách để neutron va chạm với radium hoặc để proton va chạm với thorium.

Trong nhiều năm, sự tồn tại của francium chỉ nằm ở lý thuyết. Chính Dmitri Mendeleev, cha đẻ của bảng tuần hoàn hóa học, là người đầu tiên nêu giả thuyết có một kim loại kiềm chưa phát hiện ẩn trong vũ trụ với số nguyên tử là 87. Điều này dấy lên một cuộc chạy đua nhằm phát hiện nguyên tố bí ẩn. Nhiều nhà khoa học xuất chúng khẳng định đã tìm thấy nó, nhưng kết quả của họ bị bác bỏ sau đó.

Đồng vị duy nhất tồn tại trong tự nhiên của francium là francium-223 hình thành trong quá trình phân rã phóng xạ của actinium. Năm 1939, nó được phát hiện lần đầu tiên bởi một nhà vật lý người Pháp Marguerite Perey làm việc với actinium ở Viện Radium tại Paris, người từng làm trợ lý cá nhân cho Marie Curie. Nguyên tố 87 sau đó được đổi tên thành "francium" theo quê hương của Perey.

Những quan sát sau khi phát hiện hé lộ francium-223 có chu kỳ bán rã chỉ 22 phút. Trong khi đó, uranium-235, một đồng vị phóng xạ dùng làm nhiên liệu cho nhà máy điện nguyên tử, có chu kỳ bán rã khoảng 700 triệu năm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất