Nhà khoa học - điệp viên Nguyễn Đình Ngọc

Trong cuộc đời làm báo, tôi có may mắn tiếp xúc với ông, một con người có cuộc đời sôi nổi, phong phú, một thời gian dài hoạt động trong lòng đối phương.

Ngày ấy, trong nhiều cuộc họp báo, hội thảo khoa học tôi đều thấy ông ngồi trên đoàn chủ tịch. Ông dáng nhỏ nhắn, trắng trẻo, có đôi mày đậm xếch ngược của võ tướng thời xưa, chỉ càng làm gương mặt ông toát lên vẻ hiền từ, sáng láng. Bao giờ cũng thấy ông mặc bộ quân phục xanh bạc mầu, đầu đội mũ mềm, đeo cặp kính trắng có cái dây vòng sau gáy, những người quen biết ông đều bảo, ông giản dị đến xuềnh xoàng, đi đâu cũng chỉ vận mỗi bộ cánh như thế.

Đó là Tiến sĩ khoa học, nguyên Giáo sư của nhiều đại học ở Sài Gòn, Cần Thơ… trước và sau năm 1975. Là điệp báo viên ở Sài gòn từ 1966 đến năm 1975, sau 1975 là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông - Tin học, Bộ Công an, Phó ban chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin; Phó chủ tịch Hội Điện tử - Viễn thông; Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; thành viên sáng lập Đại học Thăng Long. Ông sinh ngày 13/8/1932, mất ngày 2/5/2006; chào đời và trút hơi thở cuối cùng đều tại Hà Nội.

Tôi nhiều lần chủ ý tiếp cận ông, nhưng vẫn chỉ là những cuộc trao đổi ngắn về nội dung của cuộc hội thảo cụ thể nào đó, ông luôn tỏ ra bận rộn, khiêm nhường. Thế rồi một hôm, có người bạn cho tôi xem công trình nghiên cứu mới của ông, đề tài nhánh của Chương trình cấp nhà nước mang mã số KX.06.

Cái tên của đề tài đã gây sự chú ý, bởi nó nửa khoa học tự nhiên, nửa khoa học xã hội: Khoa học công nghệ với các giá trị văn hoá. Tâm điểm hấp dẫn của công trình “hai nửa” này là ở chỗ, từ một công thức thuần tuý lý thuyết trong vật lý hiện đại - Thuyết Tương đối của A. Einstein, tác giả đã vận dụng vào hoàn cảnh nước ta để tìm lời giải chung nhất cho bài toán chính trị - xã hội phức tạp, là muốn thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, từ một nước chậm phát triển trở thành phát triển.

Xin trích một đoạn thú vị nhất của đề tài, mà tin chắc những ai ngoại đạo về toán - lý như tôi vẫn có thể hiểu.

Trong vật lý, biểu thức nổi tiếng của nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein, mô tả mối liên hệ giữa khối lượng m của một vật thể với năng lượng E mà vật thể này có thể giải phóng như sau:

, với c là vận tốc ánh sáng.

Vận dụng vào lĩnh vực chính trị xã hội, nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc mô tả mối liên hệ giữa các “đại lượng” phi vật thể dưới dạng biểu thức tương tự như sau:

Kiến thức = Khối lượng dữ kiện x (Tốc độ xử lý)2

Tri thức = Khối lượng kiến thức x (Tốc độ mô phỏng)2

Quyết thức = Khối lượng kiến thức x (Tốc độ mô phỏng-Dự báo-Lựa chọn)2.

Các biểu thức trên đã cho thấy, kiến thức hay tri thức đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành những quyết thức, hay nói cụ thể hơn là các quyết sách, các chủ trương đường lối… Nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc cho rằng: “Ông cha ta xưa kia đã nói biết thì sống, tức cũng là đề cao vai trò của Quyết thức trong những trường hợp sống còn của dân tộc”.

Có thể mở rộng ra tầm quan trọng của vấn đề dân trí đối với xã hội, với đất nước. Như ông Ngọc đã nhấn mạnh: “Dân trí phải được chú ý ngay từ bây giờ, từ những công dân tí hon bước vào lớp mẫu giáo…

Sau khi đọc kỹ công trình, tôi viết một bài báo ngắn “Từ Kiến thức đến Quyết thức”. Rồi một hôm, tôi nhận được cú điện thoại ông mời đến gặp tại trụ sở Ban chỉ đạo về công nghệ thông tin. Trong cuộc nói chuyện khá cởi mở, thân tình hôm đó, tôi mới hiểu vì sao ông giác ngộ yêu nước và cách mạng từ rất sớm và trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông vẫn kiên trì, liên tục học tập nâng cao hiểu biết.

Ông sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, có bốn anh em, ông là con cả. Cha ông, bác sĩ Nguyễn Đình Diệp giàu lòng yêu nước, trước năm 1945 đã bị thực dân Pháp bắt tù đày ở nhà tù Sơn La. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, bác sĩ Diệp là Quân y xá trưởng tỉnh Phúc Yên.

Cuối năm 1947, trong một trận càn, bác sĩ Diệp cùng cậu bé Ngọc lúc đó mới 15 tuổi bị bắt. Giặc áp giải đến Đáp Cầu, Bắc Ninh thì tách cha con ra và từ đó ông không bao giờ còn được gặp lại cha mình nữa. Lúc chia tay người cha chỉ dặn con mỗi câu: “Con hãy cố học và giúp người khác học, dân mình khổ trước hết vì giặc dốt đấy”

Nhiều năm sau đó Nguyễn Đình Ngọc luôn trăn trở về lời cha dặn. Đó là điều tâm huyết nhất của cha, một trí thức trải kiếp nô lệ, từng thấy dân mình chìm đắm trong ngu dốt, lạc hậu. Điều này cũng giải thích vì sao, trong công trình nghiên cứu của ông, quyết thức nâng cao dân trí trở thành điểm mấu chốt, được đề cao đến vậy!

Năm 1953, ông được tổ chức đưa ra nước ngoài học tập. Gần 10 năm sống, học tập tại Paris, Pháp, ông đã giành được các bằng cấp, đều thuộc loại xuất sắc, như: kỹ sư khí tượng; kỹ sư viễn thông; kỹ sư đóng tàu; tiến sĩ địa vật lý; tiến sĩ toán học. Về nước tháng 2 năm 1966, ông được chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm vào vị trí giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn.

Ít ai ngờ rằng, ông còn nằm trong tổ chức điệp báo ông với bí danh “Diệp Sơn” (ghép tên cha và em trai đã mất).

Mãi đến sau ngày nước nhà thống nhất, cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo mới được hé lộ, họ có những “vỏ bọc” thật khác nhau. Chẳng hạn: nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn là ký giả; nhà tình báo Vũ Bằng là nhà văn; nhà tình báo Đức Phương là nhà buôn…

Với Nguyễn Đình Ngọc, ông chọn nghề giáo sư đại học, song đó không hoàn toàn là “cái vỏ”, ông là nhà khoa học thứ thiệt, có kiến thức uyên thâm, đa dạng, càng có lợi hơn trong thực thi nhiệm vụ điệp viên.

Trong buổi trò chuyện giữa chúng tôi hôm đó, trả lời cho câu hỏi, sao phải học nhiều bằng đến vậy, ông kể một chuyện của năm 1970.

Thấy tướng tá Sài Gòn rộ lên việc tìm hiểu tình hình khí tượng thuỷ văn vùng tây bắc Sài Gòn, cho người đến tham khảo ông với tư cách chuyên gia khí tượng từng tu nghiệp ở nước ngoài, ông đã suy ra, sẽ có một cuộc hành quân lớn với nhiều trực thăng vào khu vực ấy, chủ yếu nhắm tới Tây Ninh và vùng giáp biên giới Campuchia, có cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Nhận định, rồi tổng hợp các động thái khác của đối phương, ông chuyển tin đi ngay về căn cứ… Vào năm 1980 trong chuyến công tác với đoàn Quốc hội sang Campu chia, tôi nghe một vị lãnh đạo cao cấp trong đoàn kể lại, vào thời điểm ấy ông cùng nhiều vị Trung ương cục đã thoát hiểm do được điệp báo ta báo trước kịp thời.

Chắc hẳn còn có những tin tức tình báo hệ trọng mà ông không kể hết. Chẳng hạn, cuối tháng 4/1975, do phân tích tình hình thời cuộc kịp thời, chuẩn xác, ông là một trong những người đi đến kết luận: Mỹ sẽ buông tay không can thiệp trở lại. Những nguồn tình báo như vậy đã góp phần giúp lãnh đạo có căn cứ thúc đẩy cuộc tổng tiến công thần tốc vào hang ổ cuối cùng của chế độ Sài Gòn. 

Sau ngày giải phóng, ông ra công khai, làm việc trong Bộ Công an, có điều kiện sử dụng khả năng chuyên môn đa dạng của mình cho công tác quản lý và nghiên cứu khoa học… Ông được trở lại với niềm đam mê làm khoa học. Đúng như GS Hoàng Xuân Sính, người có nhiều năm quen biết GS Nguyễn Đình Ngọc từ hồi còn ở bên Pháp, khi ông qua đời đã viết: “Anh làm khoa học như để bõ cơn thèm, vì đã không được toàn tâm toàn ý cho nó do bận làm tình báo một thời gian dài. Anh sinh ra để làm khoa học, đó là ham thích duy nhất của đời anh…”.

Người ta nói, con người, từ cổ chí kim, có ba đam mê: quyền lực, tiền bạc và phụ nữ. Nguyễn Đình Ngọc thoát khỏi cái vòng kim cô đó, nhưng lại mắc phải cái đam mê của các nhà khoa học thực sự, đó là sự say mê khám phá. Chính nhờ niềm đam mê đó nhân loại đã từ bóng đen dốt nát đến với ánh sáng hiểu biết tuyệt vời.

Nhà khoa học yêu nước, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc may mắn theo đuổi niềm đam mê ấy đến tận những năm tháng cuối đời.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất