Nhà khoa học "Giáo hoàng" dự đoán được cái chết của mình

Enrico Fermi, nhà vật lý lý thuyết Italy, được bạn bè gọi là "Giáo hoàng" vì ông chưa bao giờ sai lầm trong các dự đoán của mình, kể cả cái chết của bản thân.

Trong số các nhà vật lý trẻ làm việc cùng nhau tại Khoa Vật lý, Đại học Rome, Italy vào năm 1927 có một nhà vật lý nổi tiếng được mệnh danh là "Il Papa" (Giáo hoàng) vì ông chưa bao giờ sai lầm trong các nhận định của mình, theo Washington Post. Nhà vật lý đó chính là Enrico Fermi.

Trong cuốn tiểu sử "Giáo hoàng của Vật lý: Enrico Fermi và sự khai sinh của Thời đại Nguyên tử", hai tác giả Gino Segre và Bettina Hoerlin cho biết khi Fermi mới chào đời, cha mẹ đã gửi ông tới sống ở một gia đình nông dân cho tới năm ông được 2 tuổi rưỡi. Đến tuổi thiếu niên, Fermi đã tự học vật lý thông qua các cuốn sách bằng tiếng Latin từ thế kỷ 19.


Enrico Fermi khi giảng dạy tại Mỹ. (Ảnh: Atomic Heritage).

Năm 1925, Fermi đóng góp vào công trình nghiên cứu về nguyên lý loại trừ của Wolfgang Pauli, mở ra một lý thuyết thống kê mới mà ngày nay gọi là thống kê Fermi–Dirac. Dựa trên giả thuyết về sự tồn tại hạt "vô hình" của Pauli, Fermi phát triển một mô hình mới có tên là "neutrino", làm nền tảng cho lý thuyết "tương tác yếu" hoàn chỉnh hơn, miêu tả một trong 4 tương tác cơ bản của tự nhiên.

Với phát hiện về các nguyên tố hóa học mới bằng cách bắn phá thori và urani bằng neutron chậm, ông nhận giải Nobel Vật lý năm 1938, khi đang chạy trốn khỏi Italy để tránh chế độ phát xít Mussolini. Sau này các nhà khoa học mới biết được những nguyên tố mới đó là sản phẩm của phản ứng phân hạch.

Thành tựu nổi bật nhất của ông là xây dựng nền móng cho kỷ nguyên hạt nhân của loài người. Fermi đóng vai trò chủ chốt trong dự án Manhattan nhằm chế tạo bom hạt nhân cho Mỹ. Ông đứng đầu một đội kỹ sư thiết kế và xây dựng lò phản ứng Chicago Pile-1.

Trong vụ thử bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới Trinity ngày 16/7/1945, Fermi đã thể hiện khả năng tính toán các vấn đề phức tạp như ước lượng sức nổ của quả bom chỉ bằng những thí nghiệm đơn giản và viết công thức sau phong bì.

Sau Thế chiến II, Fermi giảng dạy tại Đại học Chicago và là người đi đầu trong lĩnh vực vật lý lý thuyết và thực nghiệm trong 10 năm sau đó.

Fermi qua đời do một cơn đau tim vào năm 1954, sau khi bị ung thư dạ dày di căn do không phát hiện sớm. Bất chấp bệnh tật, Fermi vẫn giữ tính cách thân thiện nhưng không vồn vã, luôn suy nghĩ thấu đáo và thường có vẻ châm biếm.

Khi bị chẩn đoán ung thư, ông thậm chí đã tính toán đúng thời gian mình còn sống. Fermi bảo vợ thuê một giường trong bệnh viện tới ngày 30/11/1954, còn ông qua đời ngày 28/11. ""Giáo hoàng" lại một lần nữa đoán đúng", tác giả cuốn tiểu sử của ông kết luận.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất