Nhà khoa học Việt thiết kế xe lăn áp lực âm cho bệnh nhân Covid-19

Xe lăn vận hành theo kỹ thuật áp lực âm, hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân Covid-19, hạn chế lây nhiễm chéo nhân viên y tế và trong cộng đồng.

Sau khi chế tạo thành công băng ca áp lực âm dành cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, trên cơ sở làm chủ kỹ thuật, từ tháng 10/2020, nhóm nghiên cứu PGS Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội bắt tay chế tạo xe lăn dành riêng cho bệnh nhân Covid-19. "Thiết bị là biện pháp cách ly tạm thời bệnh nhân với y bác sĩ trong quá trình di chuyển đến trung tâm y tế để tránh lây nhiễm cộng đồng", PGS Nghĩa nói.

Xe được thiết kế giống như xe lăn y tế thông thường, nhưng được tích hợp thêm bộ phận khung màng nhựa y tế PVC bảo vệ bệnh nhân, màng lọc ULPA, đèn UV diệt virus, bình cung cấp oxy cùng hệ thống ống dẫn khí và bộ điều khiển. Theo PGS Nghĩa, thiết bị này có khả năng ngăn nguy cơ nCoV lây nhiễm cộng đồng dựa trên kỹ thuật áp lực âm.

Trong xe lăn luôn được duy trì mức áp suất khoảng -20 Pascal, nơi không khí chỉ có thể đi vào từ một phía. Khí thở ra từ bệnh nhân Covid-19 qua màng lọc và đèn UV, được lọc sạch virus trước khi thoát ra bên ngoài. Đầu vào của không khí sạch được lấy từ hai nguồn, gồm bình oxy và khí ngoài môi trường được lọc sạch. Áp lực âm duy trì liên tục giúp người bệnh hô hấp như môi trường bên ngoài, thậm chí tốt hơn do được cung cấp oxy dưỡng khí.


Xe lăn áp lực âm giúp hạn chế lây nhiễm nCoV cho nhân viên y tế và trong cộng đồng. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).

Các bộ phận của sản phẩm có thể phối hợp vận hành trình tự nhờ hệ điều khiển gồm quá trình thiết kế vi mạch, lập trình lệnh điều khiển, viết code, do nhóm nghiên cứu PGS Nghĩa phát triển.

Theo PGS Nghĩa, yếu tố quan trọng để tạo ra các sản phẩm áp lực âm ngăn ngừa lây nhiễm là hệ thống điều khiển tạo áp suất âm nhanh nhất có thể và tiết kiệm năng lượng nhất. Vì thế, bên trong hệ thống điều khiển thiết bị được gắn cảm biến áp suất với độ sai số 0,1%. "Chỉ cần mức áp suất bên trong có thay đổi nhỏ, hệ thống quạt hút tăng tốc độ hút lên tới 14.000 vòng/phút để giữ mức ổn định của áp suất nhờ độ nhạy của cảm biến trong bộ điều khiển", PGS Nghĩa nói.

Thiết bị chạy bằng pin lithium, có thể duy trì trong khoảng 7-8 tiếng sử dụng liên tục. Màng lọc ULPA kết hợp đèn UV giúp ngăn chặn hoàn toàn các giọt dịch nhỏ 0,15 micromet chứa virus bay lơ lửng trong không khí. Nhờ đó, ngoài nCoV, xe lăn áp lực âm có thể sử dụng phòng chống lây nhiễm bệnh bạch hầu, Ebola.

Xe lăn áp lực âm đến nay đã hoàn thiện 95% về kỹ thuật, đang trong quá trình được Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế) thử nghiệm đánh giá. Sau khi sản phẩm hoàn thành quy trình thử nghiệm, PGS Nghĩa dự định cải thiện để xe nhìn đẹp hơn và chuyển giao, hợp tác với đơn vị sản xuất để nhân rộng ứng dụng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất