Nhà máy sản xuất rượu Thiên chúa giáo cổ ở Ai Cập
Các nhà khảo cổ vừa tuyên bố phát hiện được hai hầm rượu ở Ai Cập có khả năng thuộc về ngành chế biến rượu cổ xưa nhất của vùng này, sản xuất rượu thánh để dành xuất khẩu cho người Thiên chúa giáo nước ngoài.
Các nhà khảo cổ Ai Cập phát hiện ra hai hầm rượu có khắc những hình chữ thập lớn gần Tu viện St. Catherine, một khu phức hợp có từ thế kỷ thứ 6 Công nguyên gần Đỉnh Sinai trên bán đảo Sinai. Theo Tarek El-Naggar, Giám đốc Hội đồng khảo cổ tối cao Ai Cập tại nam Sinai, nhiều hầm có thể sẽ được phát hiện trong vùng, có lẽ là trung tâm ngành công nghiệp rượu cổ.
Nhiều tuần sau khi phát hiện ra hầm rượu đầu tiên, những người khai quật đã phát hiện một hầm rượu gần như y hệt có tường đá vôi cách đó khoảng 100m. Phát hiện này có thể là có sự hiện diện của nhiều hầm rượu khác trong vùng.
Cho đến nay họ đã phát hiện ra hầm rượu, bình gốm được gọi là amphorae và hạt nho. Các nhà khảo cổ cũng nói về vệt màu đỏ trên vài bức tường.
Mặc dù hầm rượu chưa từng được xác định niên đại chính xác, các nhà khảo cổ tin rằng công cụ được làm giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 6 Công nguyên. Vài đồng tiền vàng có hình Hoàng đế La Mã Valen, người cai trị từ năm 364 đến 378 Công nguyên, cũng được phát hiện gần hầm rượu. Những hầm rượu có thể có cùng niên đại.
El-Naggar cho biết những đồng xu được sản xuất ở Antioch, tức tây nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Những đồng xu tương tự được phát hiện ở Li-băng và Xi-ri – những vùng sản sinh ra nhiều giống nho dùng để làm rượu ở Ai Cập cổ.
Rượu được xem xuất thân từ một khu vực thiêng liêng và được sử dụng trong những buổi lễ tôn giáo – ví dụ như Lễ ban thánh thể Thiên chúa giáo – tại Tu viện St. Catherine và ở nước ngoài. “Tôi nghĩ tu viện dùng hầm rượu để sản xuất rượu thánh vì nó gần Đỉnh Moses (đỉnh Sinai).” El- Naggar cũng đề cập đến khu vực này là nơi mà nhà tiên tri Moses nhận Mười điều răn của Đức chúa.
Hầm rượu có các bồn diện tích khoảng 1,2m2, nơi những tăng lữ dùng chân để dẫm nát nho. Một cái lỗ ở cuối hầm có thể dẫn đến một cái hầm thấp hơn, tạo ra nước ép. Cấu trúc này tương tự với các hầm rượu của người Ai Cập cổ, bắt đầu sớm nhất vào năm 3000 trước Công nguyên, nơi mà các pharaoh bắt đầu nền công nghiệp sản xuất rượu hoàng gia tại Châu thổ sông Nile màu mỡ.
Tuy nhiên, không có bằng chứng là người Ai Cập cổ đại sản xuất rượu ở vùng này thuộc bán đảo Sinai. Những người Thiên chúa giáo sơ khai có thể cố gắng trồng vườn nho và cây cọ tại vùng sản xuất rượu - ở độ cao 1.524m trên bề mặt nước biển – ở đó thời tiết mát mẻ hơn so với sa mạc xung quanh.
Theo Patrick McGovern, thuộc ĐH của Bảo tàng Khảo cổ và Nhân chủng học Pennsylvania, người không tham gia vào phát hiện mới này: “Lý do mà nho dại vốn dĩ không mọc tại Ai Cập vì thời tiết ở đây không thích hợp. Nhưng nếu bạn xử lý nó với hệ thống tưới tiêu, bạn có thể trồng nho dưới thời tiết nóng.”
Là một chuyên gia về rượu cổ, McGovern cho biết các bình rượu và nút chai Ai Cập cổ thường chỉ ra mùa hái, nhà sản xuất, chất lượng và nguồn gốc của rượu. “Ai Cập có những nhãn hiệu rượu đầu tiên trên thế giới.”