"Nhà máy" tạo ra 30 triệu con muỗi mỗi tuần, được Bill Gates khen ngợi
Tại "nhà máy" này, muỗi được nuôi dưỡng, cho ăn và ở trong những điều kiện lý tưởng để chúng phát triển và sinh sản.
Bên trong một tòa nhà hai tầng ở Medellín (Colombia), một nhóm các nhà khoa học đang làm việc chăm chỉ trong phòng thí nghiệm ẩm ướt - nơi sinh ra hàng triệu con muỗi. Họ "nuôi" chúng bằng cách tạo ra môi trường có nhiệt độ phù hợp và cho chúng ăn, từ đường cho tới máu.
Sau đó, họ thả chúng trên khắp nước Colombia để lai tạo với muỗi ngoài tự nhiên – loài có thể mang mầm mống bệnh sốt xuất huyết cùng nhiều loại virus khác có thể gây bệnh cho người dân.
Đây hoàn toàn không phải một câu chuyện kinh dị mà là sự thật. Những con muỗi được thả ra không phải để làm hại người dân địa phương mà ngược lại, chúng giúp hàng triệu người thoát khỏi một số căn bệnh gây ra bởi muỗi ngoài tự nhiên.
Muỗi được "sản xuất" từ "nhà máy" ở Medellín mang theo vi khuẩn tên là Wolbachia có tác dụng ngăn chúng truyền bệnh sốt xuất huyết cùng các loại virus khác như Zika hay virus gây bệnh sốt vàng da cho con người. Bằng cách thả và để chúng sinh sản với muỗi tự nhiên, vi khuẩn Wolbachia sẽ được nhân rộng, bảo vệ hàng triệu người khỏi bệnh tật.
Một lồng nuôi muỗi trong phòng thí nghiệm ở Medellín. (Ảnh: Internet).
Cách đây không lâu, tỷ phú Bill Gates đã có bài viết về "nhà máy" đặc biệt này trên trang web "GatesNotes" của mình. Theo ông, một thử nghiệm ở Yogyakarta (Indonesia) vào năm ngoái cho thấy muỗi mang vi khuẩn Wolbachia làm giảm 77% số ca mắc sốt xuất huyết trong thành phố và 86% số ca sốt xuất huyết nhập viện. Trong một nghiên cứu mới ở Medellín, các ca sốt xuất huyết đã giảm 89% kể từ khi muỗi Wolbachia bắt đầu được thả vào năm 2015.
Những kết quả trên là một bước đột phá to lớn, cung cấp bằng chứng rằng công nghệ mới này có thể bảo vệ các quốc gia trước mối đe dọa của những bệnh truyền nhiễm do muỗi. Chương trình World Mosquito, hiện đang thả loại muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ở 11 quốc gia: Brazil, Colombia, Mexico, Indonesia, Sri Lanka, Việt Nam, Úc, Fiji, Kiribati, New Caledonia và Vanuatu.
Điều đáng chú ý về muỗi Wolbachia là một khi chúng được phóng thích đủ để bảo vệ con người khỏi bệnh tật, nó sẽ trở thành một giải pháp có thể tự duy trì. Theo thời gian, mọi người sẽ không phải lo lắng về những căn bệnh do muỗi gây ra, đồng thời quỹ và cơ sở y tế chữa các bệnh này cũng được giải phóng.
Theo Gates, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiệm vụ của chương trình World Mosquito được đánh giá là cấp thiết. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, các loài muỗi gây bệnh truyền nhiễm lại càng có nhiều môi trường để sinh sống và nảy nở, làm gia tăng sự lây lan của bệnh tật. Nguy cơ lớn nhất là sốt xuất huyết, căn bệnh lây nhiễm cho hơn 400 triệu người và cướp đi sinh mạng của 20.000 người mỗi năm.
Chính vì vậy, nhu cầu về muỗi Wolbachia sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa với việc World Mosquito cần sản xuất hàng trăm triệu con. "Nhà máy" ở Medellín hiện là cơ sở nuôi muỗi lớn nhất thế giới, tạo ra hơn 30 triệu con muỗi mỗi tuần.
Muỗi Wolbachia được thả ra tự nhiên. (Ảnh: Internet).
Từ trước đến nay, việc tiêu diệt hoặc xua đuổi muỗi bằng thuốc diệt côn trùng, màn, bẫy vẫn được ưu tiên hàng đầu chứ không phải "sản xuất" muỗi đại trà. Tiêu diệt muỗi đã khó, việc nuôi hàng triệu con muỗi lại càng khó hơn. Muỗi phải được nuôi dưỡng, cho ăn và ở trong những điều kiện lý tưởng để chúng phát triển và sinh sản. Nhà máy ở Medellín đã và đang hoàn thiện quy trình và nâng cao hiệu quả để có thể nhân giống và thả muỗi Wolbachia trên quy mô lớn.
Khi đã nhân giống hàng triệu trứng và muỗi trưởng thành thành công, nhà máy sẽ thả chúng ra tự nhiên. Nhóm nghiên cứu của World Mosquito cũng đang thử nghiệm với việc thả chúng từ máy bay không người lái. Gates cho biết ông rất hi vọng chương trình của World Mosquito ngày càng phát triển để bảo vệ và cứu thêm được nhiều mạng sống trên khắp thế giới.
- Vật thể kim loại bí ẩn từ trên trời rơi xuống suýt lấy đi mạng sống một cảnh sát Mỹ
- Các nhà khảo cổ đào được quái vật dài 1,5m không tay, mặc "áo giáp" ở Nam Mỹ
- Con người vô tình tạo ra thứ từng giúp khủng long ra đời?