Nhà nổi cho vùng lũ



Tác giả của công trình trên gồm 5 bạn trẻ học cùng lớp K06A1, năm cuối khoa Kiến trúc công trình tại trường Đại học Kiến trúc TP.HCM gồm: Hồ Thị Minh Hà, Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Lê Trí, Nguyễn Thị Thanh Trúc và Nguyễn Hồng Hạnh.


Thiết kế "nhà nổi" tại Việt Nam không phải là chuyện mới và lâu nay chúng ta đã có các nhóm nhà nổi trên Vịnh Hạ Long, các bè cá tra trên sông ở miền Trung, nhà trên cọc ở Nam Bộ... nhưng chưa giải quyết triệt để vấn đề.

"Vậy thì tại sao tại một khu vực ngập lụt thường xuyên như Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta không nghiên cứu một mô hình khiến người dân có thể "sống chung với lũ" một cách thuận tiện nhất? Đó là suy nghĩ đeo đuổi các bạn trẻ suốt quá trình học khoa kiến trúc của trường. Và phải cho đến năm cuối cùng của đại học, nhóm mới hoàn thành được công trình của mình", Nguyễn Lê Trí, thành viên nam duy nhất của nhóm tâm sự.

Trăn trở về một ngôi nhà cho vùng lũ của nhóm tình cờ đã được thầy Giang Ngọc Huấn biết đến và đã nhận hướng dẫn cho các bạn trẻ nghiên cứu.



Bắt tay vào đề tài, nhóm đã khảo sát các điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long, chọn xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An - khu vực có nước lũ hằng năm ngập cao nhất ở đây để làm địa bàn nghiên cứu. Hằng năm, Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn nửa sản lượng lúa gạo, thực phẩm và cây ăn trái của Việt Nam.

Sở dĩ Đồng bằng sông Cửu Long có được nguồn lợi lớn như vậy là nhờ lượng phù sa dồi dào mang đến mỗi khi lũ về. Do đó, nếu chọn giải pháp ngăn lũ thì đất đai sẽ bạc màu, không đủ màu mỡ cho các vụ mùa sau. Vì vậy, giải pháp sống chung với lũ vừa đảm bảo nguồn tự nhiên mà vừa đảm bảo an sinh cho cư dân. Nhóm cũng đã nghiên cứu các mô hình nhà nổi trên thế giới từ đơn giản đến cao cấp, phổ biến nhất nhà nổi có nhiều ở Hà Lan - một quốc gia luôn bị đe dọa bởi hiện tượng mực nước biển dâng cao.


Nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải quyết về quy hoạch, vì hiện tại dân cư đang phân bố theo 3 hình thức chính: Cặp theo các tuyến kênh, cặp theo ruộng, ở khu trung tâm. Do đó, nhóm đã đề xuất thành lập thêm các điểm trung tâm nhỏ, trở thành vị trí neo cặp nhà về vào mùa lũ. Các điểm này sẽ là nơi sinh hoạt, họp chợ vào mùa khô và là nơi tập trung nhà nổi vào mùa lũ.

Giải pháp kiến trúc của nhóm đưa ra là xây dựng các mô hình nhà nổi 3 gian, 3 gian 2 chái và nhà nối đôi. Loại nhà này có hệ thống phao nổi EPS (phao EPS được bọc lớp nhựa bên ngoài) được thiết kế liên kết, giúp nhà có thể dễ dàng di chuyển theo phương đứng dọc theo 4 trụ định hướng khi nước lên. Do đó, khi không muốn di dời, nhà cũng có thể tự nổi tại chỗ vào mùa lũ. Kết cấu hệ khung nhà có thể chọn bằng gỗ hoặc nhôm (nhẹ, dễ lắp ráp, độ bền cao...). Bên cạnh đó, nhóm cũng đưa ra những tính toán cụ thể về công năng sử dụng, giải quyết các vấn đề nảy sinh vào mùa lũ, vệ sinh, điện chiếu sáng, nước sạch...

Với giải pháp của nhóm, giá một căn nhà nổi diện tích 7,2m x 7,2m (đã bao gồm các vật dụng) hoàn chỉnh dùng khung gỗ là khoảng 90 triệu đồng, khung nhôm là 120 triệu đồng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất